Các tỉnh phát triển ngành sữa

Triệu phú bò sữa xã Trung Nguyên

Cùng với các địa phương khác, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc không ngừng phát triển. Nhiều hộ đã áp dụng mô hình chăn nuôi, sản xuất phù hợp, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trong đó có anh Nguyễn Hữu Tài, thôn Lạc Trung với mô hình chăn nuôi bò sữa cho lợi nhuận hàng năm trên 200 triệu đồng.

 Như bao nông dân khác, ban đầu, anh Tài cũng chỉ biết trồng cây lúa, cây ngô, nuôi con lợn, con gà theo quy mô nhỏ lẻ. Sau đó, chăn nuôi thêm hươu và lợn rừng để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Thế nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, anh nhận thấy chỉ trồng trọt đơn thuần, chăn nuôi tự phát như vậy thì không thể thoát nghèo được, anh đã bàn bạc với vợ tìm hướng làm ăn khác để thay đổi cuộc sống. 

 

Lúc ấy ở địa phương có phong trào chăn nuôi bò sữa. Anh quyết định dùng số vốn ít ỏi của gia đình sau bao năm tích góp mua 3 con bò sữa về nuôi. Năm 2013, gia đình anh bắt đầu khởi nghiệp bằng 3 con bò sữa 3 tháng tuổi. Những tưởng mọi việc thuận lợi, may mắn sẽ mỉm cưới với gia đình anh nhưng thật không may, 2 lần bò chết, rồi cả những lần bò bị bệnh, đầu tư mua bò ở những thời điểm giá cao… khiến anh thất bại nặng nề.

 

 Thất bại từ những ngày đầu đã giúp cho anh có thêm những kinh nghiệm quý giá trong quá trình chăn nuôi bò từ cách chăm sóc, chọn thức ăn, vệ sinh chuồng trại, cách phòng bệnh cho bò. Không ngại khó, ngại khổ, anh tích cực học hỏi, tham quan nhiều mô hình chăn nuôi bò hiệu quả, tham dự các lớp tập huấn, tìm hiểu thêm qua sách báo để áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Nhờ tính kiên nhẫn, cộng với những kinh nghiệm tích lũy được cho bản thân, anh đã mạnh dạn và tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò sữa. Qua thời gian nuôi, bò đã sinh sản ra bê con. Từ đó, gia đình đã tích lũy vốn và nhân rộng đàn bò sữa, đến nay là 12 con. Mỗi ngày anh vắt được trên 200 kg sữa với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, doanh thu mỗi ngày khoảng 3 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh có thu nhập 30 triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa.

 

Anh chia sẻ: "Để phát triển đàn bò sữa bền vững, gia đình tôi đã ký hợp đồng chăn nuôi bò sữa với Công ty sữa Vinamilk. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến những quy định khắt khe của Công ty để chất lượng sữa luôn được đảm bảo, như: Đầu tư chuồng trại thông thoáng, lắp đặt hệ thống làm mát để chống nóng cho bò sữa, xây dựng hệ thống xử lý chất thải bằng biogas đảm bảo vệ sinh môi trường, khâu vắt sữa và dụng cụ vắt sữa luôn được vệ sinh sạch sẽ... Ngoài ra, tôi tận dụng nước thải biogas để tưới cỏ, giúp tăng năng suất cỏ trồng. Ngoài diện tích đất gia đình có, tôi còn thuê thêm đất để trồng cỏ cho bò. Hiện tại gia đình tôi đang có 3 mẫu đất trồng cỏ voi, cỏ VA06 và cây ngô làm thức ăn thô xanh cho đàn bò sữa. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại, mua thêm 5 con bò sữa nữa về nuôi, nâng tổng đàn lên 17 con".

 

Anh Tài hiện là nòng cốt trong việc đi đầu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, góp phần cùng bà con nông dân địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi,  đưa Bình Dương sớm trở thành xã nông thôn mới.

 

Trần Hanh

Nguồn: ntmoi.vinhphuc.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác