Các tỉnh phát triển ngành sữa
VĨNH PHÚC - Bò sữa - Chuyện buồn, vui
Nhọc nhằn ký ức:
Gần thị xã Sơn Tây, giáp sông Hồng và có tỉnh lộ rộng thênh thang, dù đã hội tụ đủ cả 3 yếu tố "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ", và cho dù người dân nơi đây nổi tiếng bởi sự nhẫn nại, cần cù mưu sinh ấy vậy mà đời sống vẫn chỉ loay hoay với việc lo đủ mỗi ngày bếp đôi ba lần đỏ lửa. Cuộc sống khá giả, sung túc vẫn chỉ là những ước mơ quá xa xỉ đối với đại bộ phận người dân vốn "Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó" cả cuộc đời chỉ gắn bó với những "ruộng trâu ở trong làng bộ". Làm gì để thoát khỏi cảnh quẩn quanh và nỗi lo không dứt bữa? Người Vĩnh Thịnh vẫn không nguôi trăn trở phát huy những ưu thế về địa lợi và nhân hòa, tìm thiên thời để thay đổi cuộc sống nơi làng quê đất bãi. Nhận thức rõ nếu chỉ "thủy chung" với những lúa, ngô, khoai, sắn... thì cuộc sống người dân rất khó để phát triển. Đã không ít người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn nuôi trồng những loại cây công nghiệp mới nhằm tạo hướng đi mới cho đồng đất quê hương. Nhưng những thửa đất bãi mướt xanh màu mía cũng chẳng tăng thêm vị "ngọt" cho cuộc sống nơi đây bởi đầu ra không có. Những hom dâu bạt ngàn cũng chẳng làm nên những nén tơ vàng, không thành vải lụa làm ấm lòng người dân lao động. Giấc mơ thoát nghèo của người dân vùng quê đất bãi tưởng chừng không lối thoát. Chỉ đến năm 2000, nhờ sự mạnh dạn của một số hộ dân trong xã, "khăn gói" sang Ba Vì học tập kinh nghiệm, kỹ thuật và nhận nuôi bò sữa trong một chương trình do chính phủ Hà Lan tài trợ, cuộc "cách mạng" kinh tế nơi đây thật sự được bắt đầu.
"Nước mắt" trắng...
Cả xã chưa một ai có kinh nghiệm trong việc nuôi, chăm sóc, vắt sữa từ những chú bò nhập về. Thêm vào đó bài học từ thất bại trong các dự án trồng dâu nuôi tằm và trồng mía lấy đường trước kia vẫn còn hiện hữu trong tâm chí mỗi người. Nếu thêm một lần thất bại nữa, cuộc sống người dân Vĩnh Thịnh sẽ khó mà đi lên được, bởi để sở hữu một con bò trưởng thành cho sữa tốt cần ít nhất 10 triệu đồng. Nhưng đó là cả gia tài đối với một gia đình làm nông lúc bấy giờ. Là một trong những hộ gia đình đi tiên phong trong việc nuôi bò sữa tại Vĩnh Thịnh, cho đến giờ khi cuộc sống đã sung túc nhờ nguồn lợi từ 10 "cô" bò luôn được chăm sóc cẩn thận chu đáo trong chuồng, anh Đỗ Gia Việt (thôn An Lão Ngược - Vĩnh Thịnh) vẫn không quên những tháng ngày khởi nguồn gian nan ấy. "Những ngày đầu chăn nuôi bò sữa, người dân Vĩnh Thịnh gặp vô vàn khó khăn. Từ những công đoạn chăm sóc sức khỏe cho đàn bò, đến việc vắt lấy sữa sao cho hiệu quả và đầu ra cho sản phẩm sữa hàng ngày... Thế nhưng, nhờ sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, cả xã đã vượt qua những khó khăn ấy để phát triển đàn bò ngày một lớn mạnh. Để đến nay, thương hiệu bò sữa Vĩnh Thịnh đã nổi tiếng trong cả nước. Từ chỗ chưa có một người thành thạo công việc chăm sóc thì giờ đây tất cả những người đã và đang nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh đều có thể trở thành những "bác sĩ" rất chuyên nghiệp cho những cô bò được nuôi lấy sữa. Theo thời gian, các công đoạn chăm sóc cũng được cải tiến nâng cao kỹ thuật, việc vắt sữa, thái cỏ cho bò giờ đây đều được thực hiện qua máy móc. Nhờ thu nhập từ bò sữa, cuộc sống người dân địa phương đã được nâng một "tầm cao mới". Để có được những thành quả ngọt ngào như ngày hôm nay, anh Việt cũng như không ít người dân trong làng, xã đã phải đổ không ít mồ hôi, thậm chí là nước mắt do những sự biến động thất thường của thị trường. Cho đến giờ không ít người vẫn chưa quên sự kinh hoàng do "cơn bão Melamine" càn, quét qua thị trường sữa năm 2008 - 2009. Dù chỉ chịu ảnh hưởng hơn 1 tuần, nhưng hậu quả của nó gây ra đối với người chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh và đặc biệt là ở xã Trung Nguyên (Yên Lạc) là vô cùng to lớn. Cùng nước mắt của người dân, hàng tấn "nước mắt trắng" đã bị đổ đi mỗi ngày do không thể bán cho bất cứ đại lý thu mua nào. Lúc ấy không ít người đã nghĩ đến nguy cơ phá sản.
"Kéo" dậy một mô hình kinh tế:
"Toàn xã hiện nay có gần 1.400 con bò được nuôi trong 345 hộ với năng suất 10 tấn sữa/ngày". Đó là những thông tin của đồng chí Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cung cấp cho chúng tôi. Với giá sữa là 10 nghìn đồng/kg như hiện nay, những con số biết nói ấy đã vẽ nên "bức tranh" rất ấn tượng về cuộc sống người dân Vĩnh Thịnh nhờ nuôi bò sữa. Vốn dĩ chỉ quen với những chú bò kéo cày trên những thửa ruộng nhưng nhờ nắm bắt được thời cơ, biết phát huy năng lực và mạnh dạn đầu tư, thành quả sau 10 năm miệt mài lao động không thể "ngọt ngào" hơn. Không thể phủ nhận rằng những "cô nàng" bò sữa thực sự đã "kéo" nền kinh tế Vĩnh Thịnh và đời sống người dân nơi đây sang một trang sử mới. Vẫn còn đó không ít những khó khăn trên con đường của tương lai khi quỹ đất không đủ để mở rộng quy mô hay thị trường thức ăn chăn nuôi không biến động mạnh... Tuy nhiên với những kinh nghiệm chăn nuôi phong phú, sự cần cù, chăm chỉ của người dân, nhu cầu của thị trường luôn ổn định... Tin rằng con đường lớn đi đến tương lai của "nghề" nuôi bò sữa ở Vĩnh Thịnh đã mở, bởi "ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay".