Cấu tạo hệ thống sinh sản

Một số rối loạn sinh sản thường gặp

Rối loạn sinh sản là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn hoặc đình chỉ tạm thời hay lâu dài chức năng sinh sản. Những nhân tố gây nên bao gồm: chế độ nuôi dưỡng không thích hợp, khiếm khuyết di truyền, bệnh lý hoặc những dị thường về đường sinh dục, sự tiết không bình thường của một số hóc môn và thoái hoá giống do quản lý giống không tốt.

 Chuyên đề này chỉ đề cập đến một số dạng của rối loạn sinh sản do suy giảm chức năng buồng trứng, rối lọan hóc môn, chết phôi, sẩy thai, chết thai gây ra hiện tượng gọi là vô sinh tạm thời.

 
1. Suy giảm chức năng buồng trứng
 
Là trường hợp mà ở bò tơ 12 tháng tuổi hoặc bò rạ sau khi đẻ 40 ngày mà trên buồng trứng không có sự phát triển của nang rứng hoặc nang trứng phát triển đến một giai đoạn nhất định rồi thoái hoá mà không có sự rụng trứng nên không có dấu hiệu động dục. Dạng rối loạn này được phân thành các hình thức sau:
 
Buồng trứng kém phát triển
 
Cả hai buồng trứng phát triển không hoàn chỉnh, buồng trứng rất nhỏ, dẹt và không có tính đàn hồi. Tử cung kém phát triển.
 
Buồng  trứng  không  hoạt  động:  hình  dạng buồng  trứng  thì  bình  thường nhưng nang trứng không phát triển hoặc chỉ phát triển đến một giai đoạn nhất định rồi thoái hoá mà không có sự rụng trứng. Hình dạng tử cung thì bình thường nhưng cũng có một số trường hợp tử cung nhỏ và không đàn hồi. Ơ bò rạ, thiếu năng lượng ăn vào sau khi đẻ dẫn đến sự phục hồi tử cung chậm cũng có thể gây nên trình trạng này.
 
Teo buồng trứng
 
Hai buồng trứng trở nên nhỏ đi, chai cứng và dẹt. Bề mặt buồng trứng nhẵn hoặc có những nốt lồi nhỏ có thể là nang trứng hoặc thể vàng nhưng không có rụng trứng. Tử cung nhỏ và không đàn hồi.
 
Nguyên nhân trực tiếp gây nên những trường hợp này là do giảm chức năng của thùy trước tuyến yên trong việc tiết các gonadotropin. Và điều này cũng có liên quan đến việc giảm sự phân tiết GnRH từ vùng dưới đồi. Tuy nhiên những nguyên nhân gián tiếp bao gồm: nuôi dưỡng không hợp lý, thức ăn kém chất lượng và thiếu về số lượng hoặc chế độ dinh dưỡng thấp kém. Ở bò tơ, ký sinh trùng cũng là nguyên nhân gây nên những rối loạn này. Ở bò rạ, những trục trặc xảy ra trong giai đoạn gần đẻ như mắc một số bệnh khác và phải điều trị cũng có thể làm rối loạn sau đó. Di truyền cũng là một vấn đề gây nên trường hợp buồng trứng kém phát triển và thường gặp ở những giống bò lai nhiệt đới.
 
Việc chẩn đoán có thể dựa vào sờ khám qua trực tràng. Nếu lần khám đầu tiên không đủ độ tin cậy thì nên ghi chép cẩn thận và khám lại sau đó 7-14 ngày. Lần khám thứ 2 sẽ kiểm chứng lại lần thứ nhất trên cơ sở so sánh những thay đổi nếu có.
 
Nếu trạng thái sức khoẻ và thể trạng của bò kém mà nguyên nhân hoàn toàn là do nuôi dưỡng thì nên hướng dẫn người chăn nuôi cải thiện điều kiện nuôi dưỡng. Còn trạng thái sức khoẻ kém do bệnh lý khác gây nên thể trạng kém thì nên tiến hành song song việc điều trị bệnh và cải thiện nuôi dưỡng trước khi tiến hành xử lý rối loạn sinh sản. Việc xử lý hóc môn sẽ được thực hiện sau đó. Có như vậy mới hy vọng mang lại kết quả khả quan.
 
Hiệu qủa sử dụng hóc môn phụ thuộc vào giai đoạn của sóng nang ở thời điểm cung cấp hóc môn vào cơ thể. Vì thế, khi sờ khám trực tràng và kiểm tra buồng trứng nhận thấy có những nang trứng nhỏ (10-15 mm) thì có thể chích:
-   1500- 3000 IU Chorulon
-   100 µg fertirelin acetate hay 10- 20 µg buserelin hoặc 2,5-5 ml fertagyl.
 
Việc sử dụng hóc môn này nhằm gây nên sự thành thục của nang trứng, rụng trứng và hình thành hoàng thể sau đó. Khoảng cách giữa lần rụng trứng thứ nhất và thứ hai sau khi xử lý hóc môn thường từ 8-15 ngày (tức là ngắn hơn so với bình thường). Vì thế, nên khuyến cáo người chăn nuôi quan sát động dục vào khoảng 8, 20 và 30 ngày sau khi xử lý hóc môn.
 
Trong trường hợp buồng trứng không có nang trứng thì có thể chích 500-
1000 IU PMSG hoặc chích đồng thời 500- 1000 IU PMSG và 500- 1000 IU HCG (hiện có sản phẩm chorulon trên thị trường Việtnam). Theo dõi động dục và phối
giống sau đó vài ngày. Lưu ý có thể có hiện tượng đa thai do sử dụng PMSG.
 
Trong trường hợp buồng trứng không hoạt động, có thể dùng CIRD, PRID đặt âm đạo trong thời gian từ 10- 12 ngày sẽ có kết quả tốt về sự kích hoạt lại chu kỳ nhưng tỷ lệ đậu thai không được như mong muốn.
 
Nhìn chung, nuôi dưỡng tốt vẫn là chìa khoá quan trọng để hạn chế những rối loạn này. Việc sử dụng hóc môn chỉ là hình thức cứu cánh. Không nên đặt hết hy vọng vào sự chữa trị bằng hóc môn. Vì đáp ứng với hóc môn sẽ khác nhau tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, kể cả đáp ứng của bò nhận hóc môn.
 
2. U nang buồng trứng
 
U nang buồng trứng là thuật ngữ dùng để chỉ có sự hiện diện của nang bất thường trên bề mặt buồng trứng với kích thước lớn hơn 2,5 cm nhưng không rụng trứng. Có ba kiểu u nang:
-   U nang noãn (follcular cyst): có thành nang mỏng và mềm. Có thể là một nang hoặc nhiều nang trên một hoặc cả hai buồng trứng. Trong trường hợp này thì hàm lượng progesterone thấp, estrogen cao nên có hiện tượng chảy dịch âm đạo. Trên 70% trường hợp gặp phải ở thể bệnh lý này. 
-   U nang thể vàng (luteal cyst): thường chỉ có một cấu trúc nang trên một buồng trứng, thành nang dày hơn. Hàm lượng progesterone tiết ra ở mức trung bình
 
-   U nang kết hợp (co-existing): hiện diện cả nang trứng và thể vàng trên buồng trứng. Tần suất xuất hiện u nang noãn lớn hơn u nang hoàng thể.
    
Hình 71 : U nang noãn      Hình 72: U nang thể vàng     Hình 73: Kết hợp u nang và thể vàng
 
 
U nang noãn
 
Những nang trứng có kích thước lớn hơn 2,5 cm và tồn tại dai dẳng trên buồng trứng rồi sau đó có thể thoái hoá mà không có sự rụng trứng gọi là u nang buồng trứng.
 
Những yếu tố mở đường cho sự rối loạn này là:
-   Cho bò ăn quá nhiều thức ăn tinh nhưng thiếu vận động.
-   Stress từ vấn đề nuôi dưỡng, quản lý không thích hợp.
-   Cung cấp thức ăn không đảm bảo chất lượng và số lượng sau khi đẻ.
-   Cho ăn thức ăn có chứa nhiều phyto-estrogen (có nhiều trong bã đậu nành).
-   Di truyền cũng là một yếu tố cần phải xem xét.
 
-   Sự tranh chấp tổng hợp hóc môn prolactin và liberine ở bò có năng suất sữa cao.
 
Nguyên nhân trực tiếp là do rối loạn sự phân tiết LH, cũng có thể do giảm độ nhạy của vùng dưới đồi đối với estrogen nên kìm hãm sự phân tiết GnRH dẫn đến thiếu LH.
 
Triệu chứng thường thấy là bò có dấu hiệu động dục thất thường với chu kỳ ngắn, loạn dục. Nếu kéo dài thì lõm khum đuôi có thể sụp xuống và khấu đuôi nhô cao hẵn lên. Âm hộ có dấu hiệu sưng, ẩm và xung huyết. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì không có triệu chứng động dục xuất hiện.
 
Sự xuất hiện u nang buồng trứng thay đổi tùy theo đàn với phạm vi khoảng
6-30%. Bò mắc phải bệnh lý này thường bị vô sinh tạm thời tuỳ thuộc vào sự
hiện diện của nang. U nang buồng trứng thường xuất hiện trong vòng 60 ngày sau đẻ. Có thể có hiện tượng tự khỏi bệnh và hồi phục chu kỳ động dục mà không cần điều trị. Trên 50% số bò cái có sự phát triển u nang buồng trứng trước khi có hiện tượng rụng trứng lần đầu sau đẻ rồi sau đó tự khỏi mà không cần phải điều trị. Trong sản xuất, khi phát hiện bò bị u nang buồng trứng thì lập tức điều trị ngay bởi vì thời gian từ khi điều trị đến khi mang thai trung bình khoảng 50 ngày.
 
Có thể chẩn đoán thông qua khám trực tràng. Có thể nhận thấy có một hoặc nhiều nang trên một hoặc cả hai buồng trứng với đường kính nang trên 2,5 cm. Thành nang mỏng và có chứa đầy dịch bên trong. Nếu không chắc chắn thì khám lại sau đó 7-14 ngày và so sánh với kết quả lần khám trước. Có thể có những nang trứng sờ khám ở lần trước thoái hoá đi nhưng không rụng trứng và những nang khác phát triển lên nhưng không phát hiện thể vàng trên buồng trứng. Vì thế, kỹ năng sờ khám qua trực tràng là rất quan trọng.
 
Nếu nguyên nhân gây nên rối loạn là do nuôi dưỡng thì cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn trước khi điều trị hoặc kết hợp song song giữa điều trị và nuôi dưỡng tuỳ vào thể trạng của bò.
 
Phương pháp điều trị hiện hành là tiêm GnRH (fertagyl: 5ml) hoặc LH (Chorulon:1500-3000 UI) sẽ giúp cho bò khôi phục lại chu kỳ động dục bình thường trong vòng 30 ngày với hiệu quả khoảng 80%. Tiêm GnRH sẽ kích thích tiết LH từ tuyến yên còn tiêm LH thì có tác động trực tiếp. Khoảng thời gian từ khi điều trị đến khi động dục lại thường từ 18-23 ngày. Để rút ngắn khoảng thời gian này chúng ta có thể kết hợp sử dụng prostaglandin (25 mg Lutalyse) vào ngày thứ 9 sau khi tiêm GnRH hoặc LH.
 
Người chăn nuôi có thể loại trừ bớt nguyên nhân nhân này bằng cách loại thải những bò cái bị u nang lặp lại nhiều lần hoặc không sử dụng tinh của bò đực mà đời con có tần suất xuất hiện u nang cao. Tuy nhiên đây là vấn đề khó bởi vì chúng ta không có hệ thống ghi chép cụ thể và cũng không có được thông tin di truyền của bò đực một cách rộng rãi.
 
Phương pháp phòng bệnh bằng cách tiêm GnRH trong vòng 15 ngày sau khi đẻ sẽ gây rụng trứng đối với những nang trứng có kích thước lớn trên buồng trứng và làm giảm nguy cơ xuất hiện u nang buồng trứng và làm giảm số bò phải loại thải là ý nghĩa kinh tế. Tuy nhiên có thể gây nên chứng viêm tử cung tích mũ ở một số trường hợp.
 
U nang thể vàng
 
Là những nang có kích thước lớn nhưng không rụng trứng, phần bên trong xoang nang tích lũy lipoid và tạo thành xoang thể vàng. Có thể sự lutein hoá xảy ra một phần hoặc toàn bộ xoang nang.
 
Không có triệu chứng lâm sàng biểu hiện ra bên ngoài ngoại trừ không có dấu hiệu động dục.
 
Rất khó phát hiện khi sờ khám qua trực tràng. Rất khó để nhận biết dấu hiệu thành buồng trứng dày lên do u nang và hơi cứng. Trong trường hợp này thì sử dụng prostaglandin (lutalyse 25mg) để điều trị (cẩn thận là bò đã phối giống trước đó hay chưa). Nếu thật sự là u nang thể vàng thì bò sẽ động dục sau đó 3
-10 ngày. Trong một vài trường hợp, có thể xảy ra sự tiêu biến xoang hoàng thể, nhưng thay thế vào đó là sự phát triển của u nang noãn, nên đôi khi ta cũng gặp trường hợp bò cái động dục liên tục sau khi xử lý bằng prostaglandin.
 
Thể vàng tồn lưu
 
Đó là trường hợp rối loạn tiến trình thoái hoá thể vàng, làm kéo dài chu kỳ động dục hơn bình thường nhưng bò không mang thai. Sự tiết nhiều progesterone sẽ kìm hãm sự phát triển của nang noãn và dẫn đến không xuất hiện động dục.
 
Có hai cơ chế có thể dẫn đến sự rối loạn này. Một là có sự hiện diện những vật bất thường trong tử cung như là thai lưu, chứa dịch hoặc mủ trong tử cung hoặc những bất thường về nội mạc tử cung như viêm nhiễm mãn tính làm kìm hãm sự phân tiết prostaglandin từ nội mạc tử cung. Hai là sự tiết bất bình thường của gonadotropin từ thùy trước tuyến yên và điều này thường xuất hiện ở những bò sữa cao sản (không có sự bất thường về tử cung).
 
Thể rối loạn này không có triệu chứng lâm sàng. Chỉ có thể chẩn đoán được khi sờ khám qua trực tràng phát hiện có sự hiện diện của thể vàng nhưng bò thật sự không mang thai. Thể vàng nổi rõ trên bề mặt buồng trứng và ranh giới giữa thể vàng và buồng trứng phân biệt rõ rệt. Bò không biểu hiện động dục và có xu hướng mập dần lên theo thời gian tồn lưu của thể vàng. Cần lưu ý xem xét cẩn thận ngày phối giống trước đó và có hay không có bò đực trong đàn.
 
Nếu thật sự không mang thai nhưng khi khám tử cung nghi ngờ có chứa dịch hoặc mủ thì nên dùng dẫn tinh quản đưa qua cổ tử cung và hút lấy dịch để kiểm tra cho chắc chắn có hay không có sự kết hợp với viêm tử cung tích mủ.
 
Phương pháp điều trị tương tự  như u nang thể vàng và bò sẽ biểu hiện động dục trong vòng 2-5 ngày sau đó. Nếu có dịch trong tử cung thì phải tiến hành thụt rửa ngay sau khi sử dụng prostaglandin. Có thể hủy thể vàng bằng tay nhưng điều này không khuyến cáo rộng rãi vì có thể có những biến chứng xảy ra sau đó như xuất huyết, viêm kết dính buồng trứng và có thể dẫn đến vô sinh sau đó.
 
3. Rối loạn sự rụng trứng
 
Là thuật ngữ dùng để chỉ sự bất thường về tiến trình rụng trứng và nó bao gồm sự chậm rụng trứng và không rụng trứng.
 
Chậm rụng trứng
 
Là hiện tượng kéo dài thời gian giữa bắt đầu động dục đến rụng trứng mặc dù nang trứng đã phát triển trên bề mặt buồng trứng. Ở bò, sự rụng trứng thường xảy ra khoảng 28- 32 giờ sau khi bắt đầu động dục hoặc khoảng 10-14 giờ sau khi kết thúc động dục đứng yên.
 
Không rụng trứng
 
Là hiện tượng nang trứng phát triển đến một giai đoạn nhất định rồi thoái hoá hoặc hình thành u nang mà không có hiện tượng rụng trứng mặc dù nang trứng phát triển và có xuất hiện dấu hiệu động dục. 
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối loạn sự rụng là do sự tiết bất thường của LH từ tuyến yên. Sóng LH (gọi là sóng rụng trứng) xuất hiện muộn hoặc thiếu hoặc không có. Hoặc do rối loạn từ vùng dưới đồi trong việc tiếp nhận thông tin của estrogen gây tiết LH theo cơ chế vòng ngược dương của estrogen.
 
Việc chẩn đoán rối loạn này thật sự khó, ngoại trừ kiểm tra buồng trứng vào ngày thứ 2 và thứ 7-10 sau khi động dục. Ngày thứ 2 kiểm tra xác định có hay không có điểm rụng trứng, còn ngày thứ 7-10 kiểm tra sự hiện diện của hoàng thể.
 
Có thể sử dụng GnRH với liều 100-200 µg hoặc fertagyl 2,5 ml vào ngày dẫn tinh nhằm kích hoạt sự tiết LH. Hoặc chorulon với liều 1500- 3000 IU ngay vào lúc dẫn tinh.
 
Ngoài ra chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật OVSYNH để gây rụng trứng với hiệu quả khá cao.
 
4. Phối giống nhiều lần không thụ thai
 
Phối giống nhiều lần không thụ thai là thuật ngữ chỉ về tình trạng vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn mà không hiểu rõ nguyên nhân. Bò có dấu hiệu động dục và chu kỳ động dục biểu hiện bình thường, không phát hiện có sự bất thường nào về đường sinh dục khi sờ khám, nhưng không mang thai sau 3 lần phối tinh.
 
Rất nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng này, nhưng tập trung nhất là sự
chết phôi sớm hoặc thất bại về sự thụ tinh được xem là nguyên nhân chủ yếu.
 
Nguyên nhân dẫn đến thất bại về sự thụ tinh có thể do những bất thường về đường sinh dục hoặc những bệnh về đường sinh dục như viêm tử cung, viêm ống dẫn trứng, rối loạn sự rụng trứng cũng như sự giảm khả năng thụ thai của tế bào trứng và tinh trùng do thời điểm phối tinh không thích hợp.
 
Nguyên nhân gây chết phôi sớm bao gồm nhiễm trùng tử cung, sự bất thường về môi trường tử cung, môi trường ống dẫn trứng, sự mất cân bằng giữa estrogen và progesterone cũng như sự bất thường về tái tổ hợp nhiễm sắc thể. Yếu tố môi trường như nhiệt độ cao ẩm độ cao (stress nhiệt) hay nuôi dưỡng bất hợp lý cũng gây nên hiện tượng này.
 
Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp tổng hợp, từ việc kiểm tra tay nghề kỹ thuật viên, thời điểm phối tinh, chất lượng tinh, tình trạng đường sinh dục, chăm sóc nuôi dưỡng để có thể tìm ra giải pháp cho từng đối tượng bò cụ thể.
 
Tuy nhiên, trong thực tế để đi tìm nguyên nhân của rối loạn này rất khó. Vì thế, giải pháp điều trị là thụt rửa tử cung bằng nước muối sinh lý 2-4 lit (đưa vào bao nhiêu phải lấy ra hết bấy nhiêu) hoặc lugol 0,5-1% từ 100-150 ml. Sau khi thụt rửa 3- 4 lần (cách nhật) thì xử lý hóc môn để kích hoạt lại chu kỳ. Khi bò động dục và phối giống thì tiêm thêm 1500 IU chorulon ngay vào lúc phối giống để phòng rụng trứng chậm. Sử dụng kỹ thuật OVSYNH cũng mang lại kết quả tốt trong trường hợp này. Một số kết quả nghiên cứu tại Nhật cho thấy nếu chúng ta tiêm LH vào ngày thứ 5 sau khi phối tinh cũng cải thiện đáng kể tỷ lệ thụ thai trong trường hợp này.
 
Những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai và đẻ
 
Thai lưu hoá gỗ
 
Là tình trạng thai bị chết vào giữa thai kỳ, dịch ối, màng thai và nhau thai co lại đồng thời chuyển thành màu sôcôla do dịch bào thai đã được hấp thu còn các bộ phận khác còn lưu giữ lại trong tử cung một thời gian dài.
 
Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này như là thiếu ăn, stress nhiệt, nhiễm virút BVD, Neospora caninum, sự xoắn vặn của cuống nhau làm tắc nghẽn cung cấp dinh dưỡng. Ngoài ra, sự hiện diện của gen lặn trong cặp nhiễm sắc thể thường cũng gây nên hiện tượng này. Không có dấu hiệu động dục do cản trở sự phân tiết prostaglandin và gây nên lưu thể vàng.
 
Không có biểu hiện lâm sàng của bệnh. Trường hợp này thường được nhận biết khi tiến hành khám qua trực tràng, khi mà quá ngày đẻ nhưng bò không có dấu hiệu đẻ.
 
Trường hợp quá ngày đẻ, khi khám qua trực tràng rất dễ nhận biết vì kích thước bào thai lúc này rất nhỏ, chứa ít dịch hoặc không còn dịch ối. Bọc thai trở nên cứng. Nếu khám giữa thai kỳ, thì cảm giác chuyển động của bào thai không nhận biết được, động mạch giữa tử cung không phát triển. Kích thước bào thai nhỏ hơn so với bào thai cùng tháng tuổi.
 
Có thể sử dụng prostaglandin để gây đẻ nhân tạo. Bằng cách tiêm khoảng
25mg lutalyse và theo dõi diễn biến sau đó. Tuy nhiên đối với trâu bò, nếu thai trên 150 ngày tuổi thì việc sử dụng. Vì vậy, việc sử dụng kết hợp prostaglandin (25mg lutalyse) với estrogen  (5-8 mg estradiol benzoat) hoặc dexamethazone (30mg) thì kết quả sẽ tốt hơn. Đôi khi cần phải bơm dầu ăn hoặc nước ấm có pha xà phòng vào tử cung để làm tăng độ trơn. Thông thường sự đẻ sẽ xảy ra trong vòng 2- 4 ngày sau khi tiêm hóc môn. Trong trường hợp điều trị không có kết quả thì mổ bụng lấy thai là giải pháp cuối cùng nhưng đòi hỏi phải có bác sỹ thú y có kinh nghiệm mới làm được và chi phí hậu phẫu khá tốn kém.
 
Thai lưu thối rữa
 
Là hiện tương thai chết trong tử cung nhưng sự sẩy thai không xảy ra và thai tan rã trong tử cung mà không phải do tác động phân hủy của vi khuẩn, sau đó tạo thành dịch nhầy sền sệt và có cả xương thai.
 
Giai đoạn đầu, cổ tử cung đóng kín nhưng sau đó thì cổ tử cung giãn mở từ
từ và vi khuẩn xâm nhập vào tử cung gây tác động phân huỷ hiếu khí.
 
Bò sẽ không có dấu hiệu động dục do thể vàng vẫn còn tồn tại trên bề mặt buồng trứng. Không có dấu hiệu lâm sàng về bệnh. Khám qua âm đạo nhìn thấy lối vào cổ tử cung hé mở và có dịch bẩn đồng thời có mùi hôi. Trong nhiều trường hợp, thai chết lâu ngày sau đó cổ tử cung mở thải ra dịch của bào thai có chứa lông, móng chân hoặc những mảnh xương vỡ.
 
Khám qua trực tràng có thể nhận thấy xương của bào thai nằm ở phần thấp của tử cung chứa thai.
 
Hướng điều trị tương tự như thai lưu hoá gỗ và cần kết hợp điều trị viêm tử
cung. Lưu ý sự hiện diện của xương thai trong tử cung trong trường hợp thai phân hủy hoàn toàn và nhất là thai chết khi tháng tuổi thai cao. Những đoạn xương đó có thể gây nên thủng tử cung do kích thích co bóp cơ tử cung. Vì thế, việc kết hợp kiểm tra độ mở cổ tử cung sau khi đưa thuốc vào cơ thể để quyết định sự trợ giúp tiếp theo là rất cần thiết.

PGS.TS. Đinh Văn Ci, ThS. Nguyễn NgọcTn

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác