Kinh tế - Thị trường
Bất ngờ tăng giá, sữa “bỏ qua” lệnh bình ổn
Bắt đầu từ ngày 12/12, theo thông báo từ hãng sữa Mead Johnson, các sản phẩm của nhãn hiệu này sẽ tăng khoảng 7%, tương đương mức tăng từ 30-60 nghìn đồng/hộp. Cụ thể sữa Enfa Grow 3A+ tăng 54.000 đồng từ 781.000 đồng lên 835.000 đồng/hộp 900g, sữa EnfaMamaA+ Vanilla DHA power plus từ 192.000 đồng tăng lên 205.000 đồng/hộp 400g. Sữa EnfaMil A+ tăng 35.000 đồng đẩy giá bán lẻ lên 534.000 đồng/hộp. Mức giá này được niêm yết chính thức trên website bán sữa và các đại lý, cửa hàng bán lẻ cũng đã chính thức áp dụng. Lý do tăng giá mà doanh nghiệp phân phối đưa ra là do giá sản phẩm nhập từ hãng tăng, bắt buộc doanh nghiệp phải tăng theo.
Như một phản ứng dây chuyền, việc “mở hàng” tăng giá của Mead Johnson đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khác cũng rục rịch tăng theo. Chủ một cửa hàng sữa trên đường Láng cho biết chị đã nhận được thông tin sẽ tăng giá sữa trong vài ngày tới của các hàng khác. “Chị không mua ngay, chỉ vài ngày nữa, giá sữa sẽ đồng loạt tăng thì sẽ phải mua giá cao ở bất kỳ sản phẩm nào. Việc tăng giá là tất yếu, vì cuối năm nào, giá sữa bao giờ cũng tăng và tôi bán sữa đã chục năm, chưa khi nào thấy sữa giảm giá cả. Nhất là đầu năm 2014 giá sữa thế giới có thể tăng mạnh nên chắc chắn sang năm mới, sẽ có nhiều đợt tăng giá nữa”.
Thị trường sữa thường xuyên biến động ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng . Ảnh minh họa: Việt Nguyễn
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2012, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 65.000 tấn sữa bột, với trị giá khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó, 70% là sữa ngoại nhập với các thương hiệu sữa bột như Abbort, Mead Johnson, Dutch Lady, Nestlé, Dumex, XO… Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, rất nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường, như: Nestle, Gallia, Enfa, Abbbot… hiện có giá bán cao gấp 5-6 lần giá nhập khẩu. Toàn thị trường Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Đây là một con số không hề nhỏ và theo các chuyên gia, môi trường cạnh tranh này đang có một nghịch lý: đáng ra các hãng sữa phải hạ giá thành để thu hút người tiêu dùng, nhưng từ năm 2007, giá sữa lại liên tục tăng mà không hề giảm. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay làm giá móc túi người tiêu dùng?
Phía cơ quan quản lý, để trả lời cho các nghi ngờ này, Bộ Tài chính đã công bố kết quả tiến hành kiểm tra xác minh thông tin giá sữa bán trong nước tăng 5-9 lần so với giá nhập khẩu, đồng thời thành lập 4 đoàn kiểm tra về thuế và giá năm 2012 và 9 tháng năm 2013 tại 8 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa lớn tại Việt Nam. Qua kiểm tra, đã thu phạt vào ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng tiền thuế, đồng thời đôn đốc thu nộp hơn 400 tỷ đồng tiền thuế còn nợ đọng. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai các công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định của Luật Giá, không để tăng giá bất hợp lý; tổng hợp kết quả kiểm tra để có công bố công khai với hình thức thích hợp. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số giải pháp quản lý giá sữa như tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp Bộ Y tế thường xuyên rà soát và bổ sung những mặt hàng mới vào danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện hàng bình ổn giá. Đối với các mặt hàng sữa nhập khẩu, nếu mức giá khai báo cao hơn trên 15% so với mức giá tại cơ sở dữ liệu giá hoặc mức giá khai báo thấp hơn không quá 5% so với mức giá có trong cơ sở dữ liệu giá của Tổng cục Hải quan tại thời điểm kiểm tra, sẽ thực hiện kiểm tra sau thông quan và quyết định tham vấn theo quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thời buổi kinh tế khó khăn, giá sữa tăng khiến người tiêu dùng lo lắng.
Tuy nhiên, số tiền xử phạt của Bộ Tài chính nhìn vào thì tương đối lớn, nhưng chỉ là phạt các vi phạm về thuế, còn về tăng giá có hợp lý hay không thì vẫn chưa có kết quả nào. Phải chăng cách làm việc của các cơ quan chức năng đã khiến cho các doanh nghiệp sữa “nhờn thuốc”, cứ tăng giá một cách thoải mái, chỉ cần làm 1 bảng kê khai, dù việc kê khai đó có hợp lý hay không? Liệu có thực việc quản lý giá sữa phức tạp và khó khăn đến thế? Được biết, mới đây, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất quản lý giá sữa bằng cách áp giá trần. Nếu doanh nghiệp nào bán quá giá trần sẽ chịu mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng/lần, đồng thời tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch do tăng giá bất hợp lý. UBND quận, huyện, thị xã, tỉnh, các cơ quan thanh tra chuyên ngành tài chính... là những đơn vị có thể xử phạt những sai phạm về giá của các doanh nghiệp sữa