Kinh tế - Thị trường

Căn nguyên giá sữa liên tục tăng

Mờ mắt vì lợi nhuận, các hãng sữa trong và ngoài nước liên tục tăng giá sữa, khiến người tiêu dùng bất bình, ngay cả người kinh doanh cũng lo lắng…

 Trong vài tháng nay, giá một số mặt hàng sữa trẻ em liên tục tăng, với tốc độ tăng chóng mặt, từ 6-18%. Trong dịp Tết giá các sản phẩm sữa của hãng Mead Johnson, Abbott tăng từ 6-10%, nhưng ngoài Tết, một số hãng khác cũng tiếp tục giàn đồng ca tăng tiếp… điều này khiến người tiêu dùng (NTD) cảm thấy như đây là một câu chuyện không có hồi kết.

 

Căn nguyên của vấn đề

 

 

Nhu cầu tiêu dùng lớn

 

 

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang không ngừng tăng, từ 21,5 triệu người năm 1989 lên 24,2 triệu người năm 2005. Con số này dự kiến sẽ đạt mức cực đại vào năm 2020, với hơn 27 triệu người. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thêm trên 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, tương đương với số dân của một tỉnh cỡ trung bình. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2024, nước ta sẽ vượt 100 triệu dân, với mật độ lên đến 335 người/km2.

 

 

Với tốc độ sinh sản như vậy Việt Nam là thị trường mầu mỡ cho các sản phẩm thức ăn dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa. Trong khi nhu cầu hàng năm tăng cao như vậy nhưng nguồn cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, còn lại phải nhập ngoại.  

 

 

Do tin tưởng quảng cáo về chuẩn của sữa như chất đạm, béo, đường, các bổ sung hóa chất vitamin, DHA, Prebiotics,… các bà mẹ Việt Nam thường chuộng sữa ngoại hơn sữa nội. Chính vì vậy, các hàng sữa ngoại càng làm mưa làm gió trên thị trường. Và bất luận điều gì, giá tăng đến đâu các bà mẹ vẫn phải mua vì thói quen tiêu dùng và  nhu cầu của con em họ.

 

 

Lý do giá đầu vào tăng?

 

 

Thời gian qua, các DN và hãng sữa đều nêu lý do, họ phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng,  giá sữa trong nước buộc phải tăng theo. Số liệu do các công ty cho biết: giá của nhiều loại nguyên liệu đã tăng ở mức từ 34-57%. Cụ thể, bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn), tương đương tăng 34%; Bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ khoảng 3.600 USD/tấn lên 5.155 USD/tấn), tăng 43%; Dầu bơ tăng khoảng 2.096 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn), tăng 57%. Các chi phí khác như vận chuyển tăng, chi phí nhân công tăng…. nên doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, nếu không sẽ lỗ và dẫn đến giảm tiền nộp thuế cho Nhà nước…  Công ty sữa Vinamilk cũng cho biết, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu trong nước từ nông dân cũng tăng khoảng 22,6% so với đầu năm 2013 (từ 11.175đ/kg lên 13.700đ/kg) nên giá sữa tươi đến NTD là 23-24.000đ/lít.. . Đó là các lý do khiến họ đẩy giá lên. Nhưng vấn đề là, ngay cả khi lạm phát chỉ tăng hơn 6% như năm 2013 cũng là cái cớ để DN tăng giá sữa lên. Thậm chí, khi cơ quan chức năng yêu cầu không được tăng giá, có công ty vẫn đơn phương tăng giá lên,  khiến NTD nghi ngờ sự điều tiết và quản lý của Nhà nước cho dù Luật Giá đã có hiệu lực.

 

 

Theo các công ty sữa, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá sữa trong nước buộc phải tăng theo. Từ nhiều năm nay, ngành sữa Việt Nam luôn nhập siêu cả về kim ngạch lẫn khối lượng. Theo thống kê từ Cơ quan Thú y Vùng 6, năm 2013, cơ quan này đã kiểm dịch 248.654 tấn sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Và cứ theo đà này, do nhu cầu sữa ngoại nhập lớn, các hãng sữa ngoại đẩy giá lên và lôi kéo giá sữa trong nước tăng theo.

 

 

Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương có biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trên chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định.

 

 

Tuy nhiên, dù giá đầu vào đã có sự công khai nhưng chưa thể khẳng định 100% là chính xác và minh bạch và người tiêu dùng vẫn  rất mù mờ về các giá trị xác định này, không biết DN sữa có nói đúng giá nhập khẩu nguyên liệu và các chi phí khác không?

 

 

Đâu là sự thực

 

 

Nếu so sánh thu  nhập của người dân Việt Nam với người dân các nước trên thế giới (kể cả Mỹ, Châu Âu), thu nhập đầu người/năm của họ cao hơn chúng ta tới 20-30 lần nhưng giá sữa bán ở các nước đó lại rẻ hơn ở Việt Nam nhiều, thậm chí rẻ hơn 2 tới 3 lần. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?

 

 

Sơ bộ tính, với các chuẩn của sữa thì giá đầu vào cũng chỉ khoảng 70.000đ/kg, từ đó, nếu giá bán ra vào khoảng 100.000đ/kg thì các công ty sữa, hãng sữa cũng đã có lãi rồi. Lúc này, cứ cho rằng chi phí lên tới 150.000đ/kg (gấp rưỡi năm 2012)  thì giá bán ở VN vẫn đang rất cao, giá bán sữa nhập lên tới 500.000đ/kg hoặc hơn (theo VOV).

 

 

Vậy, các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế) nghĩ gì về điều này? Và họ sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu trẻ em Việt Nam?

 

 

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc

 

 

Ngày 5/2/2014, Liên Bộ Tài chính – Công Thương và một số bộ, ngành liên quan đã tổ chức họp bàn về công tác triển khai các đoàn kiểm tra giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá đã thông tin về diễn biến giá sữa và biện pháp điều hành sắp tới của Liên Bộ Tài chính-Công Thương và các bộ, ngành có liên quan.

 

 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính đã căn cứ vào Pháp lệnh Giá và Luật Giá thực hiện thực hiện rất nghiêm túc và quyết liệt việc quản lý giá sữa từ năm 2013 cho đến nay. Cụ thể: từ tháng 12/2013 triển khai kê khai giá tại Công ty Mead Johnson; từ tháng 1/2014 tại Công ty Nestle Việt Nam; từ tháng 2/2014 tại Công ty sữa Việt Nam Vinamilk; từ tháng 2/2014 tại Friesland Campina; từ tháng 3/2014 tại Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbott.

 

 

Ngày 28/2/2014, trước tình hình  4 hãng sữa đều tăng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ở đây thấy có dấu hiệu liên kết tăng giá, vi phạm quy định của Luật cạnh tranh, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, dư luận cho là các cơ quan đã vào cuộc nhưng còn chậm.

 

Ông Nguyễn Phương Nam (Cục trưởng cục Quản lý cạnh tranh - Cục Công thương) cho biết: Thị trường sữa cạnh tranh khốc liệt nhưng chưa thấy có dấu hiệu của hành vi mang tính vi phạm Luật canh tranh. Chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan để có các dữ liệu, thông số, nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm cụ thể, chúng tôi sẽ chính thức ra quyết định điều tra

 

Cục trưởng Cục Quản lý giá - Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Bộ Tài chính sẽ không đứng chờ các doanh nghiệp báo cáo nữa, ngay trong tuần này sẽ tổ chức 5 đoàn thanh tra tới 5 công ty để kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của họ. 

5 doanh nghiệp kiến nghị thanh tra, kiểm tra bao gồm: công ty Mead Johnson, Công ty Nestlle Việt Nam, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot.

 

 

Thành phần của các Đoàn thanh tra gồm có đại diện các đơn vị chức năng của Liên Bộ Tài chính - Công Thương và các bộ, ngành có liên quan khác. 

 

Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 5 doanh nghiệp nêu trên sẽ công khai tới toàn dân

 

 

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiến hành thu thập các số liệu có liên quan, tiến hành kiểm tra các yếu tố cấu thành giá đầu vào. Sẽ báo cáo Chính phủ giải pháp xử lý nghiêm minh theo pháp luật nếu phát hiện thấy doanh nghiệp nào có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá.

 

Một số vấn đề cần điều chỉnh trong thời gian tới

 

Về Thông tư 30/2013/TT-BYT ban hành ngày 4/10/2013 về việc ban hành Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc hàng hóa thực hiện bình ổn giá và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2013:  Các chuyên gia kinh tế cho rằng Thông tư 30 chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định: Thông tư mới chỉ dừng ở việc chuẩn hóa tên gọi các sản phẩm sữa và quy định cụ thể trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng với các sản phẩm dinh dưỡng công thức, còn Bộ Tài chính mới là cơ quan quản lý giá.

 

Về Thông tư 104 (sửa đổi bổ sung) : Các chuyên gia còn cho rằng quy định của Bộ Tài chính là trong vòng 15 ngày liên tục giá sữa không được tăng 20% so với giá hiện tại. Như vậy, các doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách để sau 15 ngày mới tăng giá. Thậm chí, hơn 1 tháng có thể tăng giá đến 2 lần mà vẫn không sai luật.

 

Đây là những lỗ hổng của văn bản quy phạm cần phải xem xét, điều chỉnh và sửa đổi kịp thời.

 

 

Về phía các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề và định hướng tiêu dùng cho đúng. Khi người dân tiêu dùng sữa nội địa sẽ khiến các hãng sữa nội địa có vị thế trên thị trường hơn, có thể phát triển sản xuất, giảm giá thành, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, đồng thời, Nhà nước cũng có thể dễ dàng kiểm tra, kiểm soát giá hơn. Đây cũng là cơ sở để các nhà hoạch định chiến lược nghiên cứu, mở rộng vùng cung cấp nguyên liệu sữa trong nước, đẩy mạnh phát triển ngành sữa nội địa lên.


Nếu đúng là giá sữa tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, Nhà nước có thể xem xét vấn đề hỗ trợ giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thông qua các công cụ bình ổn như thuế, phí, kê khai đăng ký giá… Nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, biện pháp bình ổn sẽ được áp dụng khi việc tăng giá sữa ảnh hưởng đến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và mặt bằng kinh tế - xã hội chung, không loại trừ việc các cơ quan chức năng có thể áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa này theo đúng quy định của Luật Giá. Đảm bảo giá phản ánh đúng thị trường nhưng cũng cần được tác động bởi bàn tay quản lý Nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng (ở đây là lợi ích con em thế hệ tương lai của chúng ta). Không vì lý do giảm thuế mà để giá cả lộng hành, tác động đến nhiều mặt tâm lý - xã hội. Chúng ta phải lựa chọn cái được và mất, cái được ở đây là niềm tin của người dân và sức khỏe của con em chúng ta.

Nguồn: tapchitaichinh.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác