Kinh tế - Thị trường
Chiến lược nội hóa bò ngoại
Thị trường "tỉ đô"
Theo thống kê, nếu như năm 2007 tổng đàn bò của VN có khoảng 6,7 triệu con thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 5 triệu con và vẫn tiếp tục giảm. Số lượng bò trong nước giảm trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Chỉ riêng năm 2014, thị trường nội địa đã tiêu thụ khoảng 1,2 triệu con bò nhưng bò trong nước chỉ cung cấp khoảng 200.000 con; bò thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia ước tính vài trăm ngàn con; bò Úc nhập khoảng 181.000 con, còn lại là bò đông lạnh. Số liệu của Cục Chăn nuôi cũng cho thấy, bò nhập đang tăng theo cấp số nhân
Số lượng bò nhập khẩu từ Úc năm 2014 gấp 2,7 năm 2013. Trong 7 tháng đầu năm nay, VN đã nhập về 210.000 con bò Úc, nhiều hơn cả năm 2014 là 29.000 con. Mặc dù vậy, tỷ lệ thịt trâu bò trong khẩu phần ăn của người Việt vẫn hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 6%, bằng 1/3 tỷ lệ trung bình của thế giới là 23%.
Nói thế để thấy, thị trường bò thịt trong nước cực kỳ tiềm năng nhưng lại đang dựa chủ yếu vào nhập khẩu. Để tiệm cận với mức tiêu thụ thịt bò trung bình của thế giới, chúng ta sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn, tiêu tốn ngoại tệ nhiều hơn.
Đó cũng là lý do, từ năm 2012 trở lại đây có rất nhiều đại gia VN ở đủ các lĩnh vực, ngành nghề, từ bất động sản, ngân hàng, tiêu dùng... âm thầm "nhảy" sang nhập bò về thị trường nội địa, chủ yếu là từ Úc.
Với công nghệ nuôi bò hiện đại nhất thế giới, thịt bò Úc được người tiêu dùng trong nước đón nhận nhanh chóng vì giá mềm (tương đương với bò nội); thịt dẻo và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử như ở Đồng Nai hiện 99% là tiêu thụ bò Úc. Tại các chợ, hệ thống siêu thị trên cả nước đều được bò Úc phủ sóng và trở thành quen thuộc với các bà nội trợ.
Nhưng hầu hết các doanh nghiệp hiện tại đều chỉ nhập bò thương mại. Nghĩa là nhập bò về, đưa vào lò mổ rồi bán ra thị trường, thu tiền luôn. Còn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), với lợi thế về đất, cánh đồng cỏ, vốn... và quan trọng nhất là giấc mơ "cải tạo giống nòi" cho đàn bò VN đã bị suy thoái cả về chất và lượng, tập đoàn này chủ yếu nhập bò non, đã nuôi khoảng 12 - 18 tháng ở Úc về VN nuôi thêm 5 tháng nữa theo quy trình khép kín.
Tuân thủ tuyệt đối chế độ ăn uống, giải trí, ngủ nghỉ... để trọng lượng, chất lượng, các chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn của cả Úc và VN rồi mới xuất chuồng.
Thực tế cho thấy, thị trường bò thịt nội đúng là thị trường hết sức màu mỡ vì cầu cao hơn cung. Thế nên, chỉ riêng việc bán bò đã giúp doanh thu 6 tháng đầu năm nay của HAGL tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.985 tỉ đồng, trong đó riêng bò đóng góp 766 tỉ đồng, chiếm gần 40% trong tổng doanh thu của tập đoàn.
Hiện mỗi ngày có khoảng 350 con bò thịt của tập đoàn này xuất chuồng đi ra thị trường cả nước. Dự kiến từ tháng sau, số lượng sẽ tăng lên 400 - 450 con/ngày vì cuối năm là thời điểm nhu cầu về thịt bò tăng mạnh. Bò Việt gốc Úc, Mỹ... Nhưng đó cũng mới chỉ là chiến lược mang tính gối đầu, lấy ngắn nuôi dài.
Chiến lược lâu dài hơn của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, là nhập bò giống từ Úc, từ Mỹ, từ các quốc gia có thế mạnh về bò vào VN rồi cho phối giống, sinh sản, chăn nuôi theo đúng quy trình công nghệ tiên tiến nhất để cho ra đời những lứa bò Việt gốc Úc, gốc Mỹ... Đến nay, HAGL đã và đang nhập vài chục ngàn con bò sinh sản đang "đồn trú" tại Lào, Campuchia để từng bước thực hiện chiến lược này.
Hiện tổng đàn bò thịt của HAGL vào khoảng 120.000 con; bò sữa (cả bê) 12.000 con; tại Gia Lai tập đoàn đang trồng 2.500 - 3.000 ha cỏ, chưa kể tại Lào, Campuchia và các tỉnh, thành khác. Nội địa hóa bò cũng giống như nội địa hóa xe hơi hay nội địa hóa đồ điện tử, ngoài mục tiêu đầu tiên là tạo ra một giống bò Việt gốc ngoại tốt thì một mục tiêu lớn nữa là chủ động nguồn cung, giảm giá thành cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo nguồn lợi lớn cho công ty.
Trên thực tế, việc phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu thịt bò hay bất cứ loại thực phẩm nào khác đều tiềm ẩn các rủi ro. Nếu vì một lý do gì đó, nước xuất khẩu hạn chế, thậm chí không xuất nữa hay đơn giản là dịch bệnh... sẽ khiến thị trường trong nước bị thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến bất ổn giá cả, gây xáo trộn thị trường. Về phía doanh nghiệp (DN), phụ thuộc hẳn vào nhập khẩu cũng không ít rủi ro. Đơn cử như đợt điều chỉnh tăng tỷ giá vừa rồi sẽ khiến giá hàng nhập tăng mạnh.
Nếu bổ trên giá sản phẩm thì người tiêu dùng chịu thiệt thòi, phải mua giá cao. Còn nếu không thể bổ vào giá, DN sẽ lỗ. Rất nhiều DN nhập khẩu cũng đang kêu lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỉ từ đợt biến động tỷ giá vừa rồi. Vì vậy, nếu chủ động được nguồn cung, không chỉ khiến đất nước đỡ tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu, ổn định thị trường mà với DN, lợi nhuận cũng lớn hơn nhiều so với nhập bò Úc thương mại.
Thực tế, với lợi thế về quỹ đất để xây chuồng trại, nguồn thức ăn và đầu tư công nghệ cao ngay từ đầu nên giá bán cạnh tranh so với các đơn vị khác trên thị trường. Cũng vì trồng được cỏ, bắp, chủ động được nguyên liệu thức ăn giúp HAGL tiết kiệm tối đa chi phí. Thậm chí, chỉ riêng tiền bán phân bò (do không sử dụng hết) cũng giúp tập đoàn này thu 200 - 300 triệu đồng/ngày.
Theo điều tra riêng của PV, giá thịt bò hơi nhập thương mại từ Úc trong tháng 9 này khoảng 2,86 - 2,9 USD/kg, thuế 5%, hao hụt trong quá trình vận chuyển theo tính toán của một người chuyên nhập khẩu bò Úc vào khoảng 4%/con bò, với tỷ giá hiện tại thì bò hơi Úc về tới VN rơi vào khoảng 72.000 đồng/kg. Muốn có lời phải bán cao hơn mức này. Nhưng do tiết kiệm được chi phí như nói trên, giá bò Úc hơi của HAGL cạnh tranh hơn, chỉ từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá bán lẻ thịt bò Úc của tập đoàn này (ngoài thị trường gọi là bò Gia Lai) cũng thấp hơn so với bò Úc nhập thương mại. Còn nếu tạo ra được các giống bò Việt gốc ngoại, nuôi từ bé, lợi nhuận còn lớn hơn. Nhưng điều quan trọng hơn với ông chủ Tập đoàn HAGL, người Việt, DN Việt phải làm chủ thị trường thịt bò Việt, làm chủ cuộc chơi chứ không phụ thuộc vào nhập khẩu mãi được.