Kinh tế - Thị trường

Doanh nghiệp thiệt hại vì sữa ngoại xách tay

Hãng sữa Abbott vừa gửi công văn đến các cơ quan chức năng tố cáo một doanh nghiệp giả mạo giấy tờ để nhập sữa Ensure của hãng này, dẫn đến thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tràn lan sữa xách tay

Chỉ cần gõ từ khóa “sữa ngoại xách tay”, lập tức trên web xuất hiện hàng loạt lời giới thiệu, chào mua các sản phẩm sữa đủ mọi thương hiệu, quen thuộc có và lạ hoắc cũng có. Thậm chí các cửa hàng tại các tuyến đường chuyên kinh doanh sữa ở TP.HCM như Nguyễn Thông, Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai, hầu hết các cửa hàng bán sữa đều có bán các loại sữa ngoại nhập xách tay. Không ít bà mẹ, vì muốn mua sữa tốt nhất cho con, nên chấp nhận mua sữa xách tay với giá cao. Tuy nhiên, nguồn của các loại sữa này hầu hết không rõ ràng, vì thường không có nhãn mác tiếng Việt cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm. Cũng chính vì nhập không chính thức nên các sản phẩm này đều không có tem nhập khẩu và bảo quản tốt, thậm chí ngày sản xuất có thể bị tẩy xóa, đậm nhạt, in cao thấp khác nhau.

 

Doanh nghiệp thiệt hại vì sữa ngoại xách tay 2 

Đầu tháng 12.2013, nhà máy Abbott tại Singapore chính thức công bố con số thị trường VN đang chiếm 21% sản lượng tiêu thụ sản phẩm sữa của nhà máy này, tương đương 10.000 tấn/năm, đứng đầu trong các thị trường tiêu thụ của Abbott Singapore. Đây mới chỉ là con số nhập khẩu chính thức thông qua nhà phân phối tại VN là Công ty TNHH 3A, chứ chưa tính đến các sản phẩm “xách tay”, nhập lậu từ các nhà máy của Abbott trên khắp thế giới. Chính vì hàng nhập lậu quá nhiều nên sản phẩm nhập khẩu chính thức cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, sản phẩm Abbott sản xuất tại Mỹ phải dán nhãn “không bán cho VN và Mexico” để hạn chế tình trạng nhập lậu vào 2 thị trường này.

Doanh nghiệp phản ứng

Mới đây, hãng sữa Abbott có công văn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo công ty S. (Q.Tân Bình, TP.HCM) giả mạo giấy tờ để nhập sữa Ensure của hãng này. Đại diện Abbott cho biết có nhận được bản sao bức thư của một doanh nghiệp (trụ sở tại Mỹ) xác nhận cho Công ty S. là nhà phân phối được ủy quyền các sản phẩm Ensure của Abbott tại VN. Tuy nhiên, đại diện Abbott khẳng định các giấy tờ này là giả mạo và công ty ở Mỹ ủy quyền công ty S. phân phối sữa Ensura không có quan hệ kinh doanh gì với Abbott.

Trong công văn gửi các cơ quan chức năng VN, Abbott cũng lo ngại về chất lượng sản phẩm không rõ nguồn gốc mà công ty S. nhập khẩu. Do đó, hãng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, xử lý hành vi của doanh nghiệp này để ngăn chặn việc nhập khẩu trái phép.

Vụ việc đến nay vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra giải quyết và chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, ngoài doanh nghiệp, thiệt hại trước hết chính là người tiêu dùng, vì nếu xảy ra sự cố gì với chất lượng sữa thì cũng không biết khiếu kiện nơi đâu.

 

Kiểm tra tại cửa khẩu

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ sữa nhập lậu trên địa bàn TP.HCM. Lãnh đạo cơ quan QLTT TP.HCM thừa nhận tình trạng sữa ngoại nhập lậu trôi nổi rất khó kiểm soát. Phần lớn sữa nhập về VN là hàng nhập lậu, thu gom từ nhiều nguồn, không loại trừ là hàng cận date. Sau khi lọt vào nội địa, hàng hóa được thay mác, đổi nhãn, xóa hết thông tin gốc của sản phẩm, trước khi tung ra bán cho người tiêu dùng. Thậm chí, một số đối tượng buôn lậu lớn còn có công nghệ xóa hạn sử dụng và in hạn sử dụng mới.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng có công văn gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục QLTT (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đề nghị phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, trong đó có mặt hàng sữa, nhằm ngăn chặn các loại sữa nhập lậu. Việc kiểm soát cần tập trung ngay tại các cửa khẩu để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo chất lượng vào thị trường...

Quang Thuần

Nguồn: thanhnien.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác