Kinh tế - Thị trường
Không thể “làm giá” với trẻ em
Đây là tin vui không chỉ cho riêng các bậc cha mẹ ở độ tuổi sinh sản. Vì rằng, vấn đề quản lý giá sữa lỏng lẻo, để giá sữa tăng “vù vù” trên thị trường thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa đã lách luật, tăng giá 8% - 15%. Việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính về giá. Việc quản lý các mặt hàng sữa dành cho trẻ em trên thị trường khá lỏng lẻo, do tình trạng “đá bóng” trong quản lý khiến giá sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi tăng giá gấp nhiều lần.
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã kết luận hai Bộ - Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã quản lý không tốt, để các các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan làm giá để trục lợi.
Bộ trưởng bày tỏ rõ quan điểm của mình: Chúng ta sống trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì hãy làm giàu một cách văn minh, làm gì cũng phải có một tấm lòng ở trong đó. Chính phủ đã rất nghiêm khắc khi nhìn nhận vấn đề: Không thể làm giá các sản phẩm rất cần cho trẻ em!
Theo đó, ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến bằng văn bản yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện kiểm soát giá trong Luật Giá. Dựa vào đó Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng làm giá.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong quản lý giá sữa, ông Chiến cho rằng bộ này phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra việc tăng giá của các doanh nghiệp kinh doanh thuộc diện kê khai giá xem cơ cấu có phù hợp không, nếu không phù hợp thì có thể yêu cầu điều chỉnh. Lực lượng quản lý thị trường hoàn toàn có chức năng kiểm tra công ty kinh doanh sữa, nếu thực hiện không đúng sẽ xử phạt.
Thông tin vui nêu trên đem tới nhiều hi vọng trong việc bình ổn giá sữa dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, dư luận vẫn còn đặt ra một số nghi ngại, như liệu khâu phối hợp kiểm tra có được thường xuyên hay lại theo kiểu phong trào nổi lên một thời gian rồi đâu lại hoàn đấy. Chế tài xử lý khi phát hiện sai phạm có đủ mạnh hay lại theo kiểu: “Giơ cao đánh khẽ” cho có lệ.
Thiết nghĩ cách làm của chính phủ Trung Quốc, xuất phát từ sự bất thường trên thị trường sữa, đã làm cuộc thanh tra và xử phạt hàng loạt công ty sữa ngoại vi phạm phải nộp phạt với số tiền lên tới cả chục triệu USD là một bài học đáng để chúng ta nghiên cứu xem xét.
Hồng Thúy