Kinh tế - Thị trường

“Lùa” giá sữa “vào chuồng”

Câu chuyện sữa tăng giá luôn là vấn đề nóng của xã hội bởi sữa là thực phẩm được sử dụng hàng ngày của nhiều gia đình Việt Nam. Chỉ cần giá sữa “nhích” vài phần trăm, thì số tiền mỗi gia đình bỏ ra cho khoản chênh lệch tăng giá cũng đủ làm đảo lộn cơ cấu chi tiêu hàng tháng. Người tiêu dùng càng “nhịn” trước sự lộng hành thì giá sữa lại càng giống như “con bò tót”, cứ lồng lên “húc” vào thị trường và hiếm khi bớt hung hăng. Vì thế, nếu các Bộ, các cục quản lý có liên quan cùng tổng hợp sức mạnh, “lùa” giá sữa “vào chuồng” thì may ra, bài ca tăng giá sữa mới được “giảm tông” đôi chút.
Sau một loạt những bê bối sữa nhiễm khuẩn, có hàm lượng nhôm cao hoặc không đạt chuẩn dinh dưỡng, và mới đây là sữa Ensure bị tố làm giả giấy tờ để vào Việt Nam, khiến nguồn gốc của sữa này đang là câu hỏi lớn… người tiêu dùng những tưởng sữa ngoại đã nhận được những bài học thích đáng để “biết điều” hơn với người tiêu dùng thì nào ngờ, các hãng sữa cuối năm lại rục rịch rủ nhau tăng giá.
 
Dù chưa tới 3 năm, sữa đã tăng giá 30 lần, nhưng dù trong năm giá có tăng đến mấy thì đến hẹn lại lên, giá sữa cứ cuối năm và đầu năm là lại làm đúng “lộ trình” tăng giá tiếp, đẩy người tiêu dùng vào hoàn cảnh “chạy” giá sữa. Nhà nào có điều kiện thì mua vài thùng dự trữ, còn đa phần “ăn đong” từng tháng là phải chấp nhận bỏ thêm tiền ra mua sữa tăng giá.
 
Sau khi nghe “rát tai” những kêu ca của người tiêu dùng, giá sữa đã lại được Bộ Y tế và Bộ Tài chính bàn bạc để đưa vào danh sách bình ổn giá vào cuối tháng 10 vừa qua, nhằm kiểm soát được mặt hàng này. Hơn nữa, theo yêu cầu của Cục quản lý giá, đến ngày 25/11 là hạn cuối để 6 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn phải kê khai giá sữa gồm công ty TNHH Mead Johnson Nutrion Việt Nam, công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Abbott), công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam, công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, công ty cổ phần và phát triển Organic Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi phải báo cáo, giải trình rõ lý do đã tăng và giảm giá trong năm 2013.
 
Nhưng nếu chỉ có thế thì vì sao giá sữa vẫn định tăng vào cuối năm? Điều này chứng tỏ, sữa vẫn “nhờn” với các quy định do các Bộ, các cục đưa ra nhằm kiểm soát giá cả của mặt hàng này. Vì thế, theo báo Đầu tư cho hay, mới đây, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản thay thế 111 mặt hàng trong danh mục quản lý rủi ro cũ và bổ sung thêm 45 mặt hàng mới để sữa vào diện bị quản lý chặt chẽ hơn ngay từ khâu nhập khẩu. Điều này hy vọng giảm thiểu tình trạng sữa kê khai giá nhập khẩu chỉ 4-5 USD (khoảng 80.000 – 100.000 đồng/hộp) nhưng ra đến thị trường thì “hét” giá lên từ 400.000 đồng đến 900.000 đồng/hộp.
 
Để một sản phẩm đặt chân vào thị trường, qua mặt được ngần ấy các khâu kiểm soát nghe thì nhiều nhưng hóa ra lại như “vườn không nhà trống”. Chẳng thế mà công ty Song Nam nhập khẩu sữa Ensure vào Việt Nam đã làm giả giấy tờ được ủy quyền là nhà phân phối của Abbott bấy lâu nay, chỉ đến khi bị hãng tố cáo thì mới “lòi đuôi” giả mạo. Trong khi đó, không biết đã bao nhiêu hộp sữa Ensure nhập khẩu, giá cả lên tới gần cả triệu đồng được người tiêu dùng sử dụng mà chẳng được đảm bảo nguồn gốc. Có bị đau bụng hay ảnh hưởng đến sức khỏe cũng chỉ biết tự an ủi, hình như mình đang “xấu bụng” nên uống sữa ngoại mới không hấp thụ được. 
 
Còn nhiều lắm những hộp sữa không rõ nguồn gốc như thế, nhưng sự việc chỉ dừng lại ở trong gia đình và có lẽ chưa gây hậu quả “chết người” nên vấn đề vẫn chưa thực sự được kiểm soát và quản lý mạnh tay. Dư luận cũng thắc mắc rằng hình như có một sự “buông lỏng” không hề nhẹ để sữa có cơ hội làm loạn giá, chứ nếu ngần ấy khâu quản lý từ hải quan đến Cục quản lý giá, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý thị trường… cùng nắm tay nhau để hiểu thông suốt vấn đề và giải quyết cùng một mục tiêu thì thể nào chẳng “lùa” được giá sữa “vào chuồng” để kiểm soát.
 
Thế nhưng, có một thực tế là khi có quá nhiều “dây buộc” nhưng lại chẳng có “đấu sĩ” dũng cảm ra mặt để đối đầu với “giá sữa” đang say máu tăng giá, thì mãi mãi các khâu kiểm soát kia cũng chỉ là để… “buộc” lẫn nhau, còn cái cần buộc thì vẫn sổng. Cũng chưa biết chừng đây là những chiêu diễn mới để khiến “người xem” bỏ tiền vào thị trường này nhiều hơn, giống như những show truyền hình thực tế, bao giờ cũng có sự cố, lúc thắt, lúc mở để thu hút khán giả.
 
 
Thuận Thục

Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác