Kinh tế - Thị trường

Những hàng hóa Việt thắng Trung Quốc trên sân nhà

(Dairy Việt Nam) Sữa, gạo, thủy sản, cao su, bánh kẹo... trên thị trường Việt Nam hầu như không có đất dành cho hàng Trung Quốc.

Sữa

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, sữa và các sản phầm từ sữa là loại hàng tiêu dùng có sức tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam khi tăng trưởng khoảng 15% trong năm 2013, bất chấp người dân đang thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, thị trường này gần như thiếu bóng những nhà sản xuất Trung Quốc.

“Hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể đi theo đường tiểu ngạch và chính ngạch, nhưng riêng sản phẩm từ sữa do người tiêu dùng thận trọng và cơ quản quan quản lý kiểm soát chặt chẽ nên con đường tiểu ngạch khó có thể được chấp nhận”, một chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho biết.

sua6-500-9544-1402288905.jpg

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trước vụ bê bối nhiễm khuẩn melamine năm 2008, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn trên 200 triệu USD. Tuy nhiên đến năm 2013, con số này chỉ gần 90 triệu USD, bằng một phần tư so với 5 năm trước.

Ngược lại, doanh nghiệp sữa trong nước, đặc biệt là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang dần gia tăng thị phần. Theo thống kê của Euromonitor, Vinamilk đang dẫn đầu về thị phần sữa nước tại Việt Nam, trong khi thị trường sữa bột chỉ thua kém Abbott của Mỹ.

Gạo

Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo trong top đầu thế giới (năm 2013 đứng thứ 3), mặt hàng này ở thị trường Việt Nam ít có cơ hội cho gạo nhập khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc chen chân. Bên cạnh cung cấp thị trường trong nước, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn.

gao-greenpeace-500-3250-1402288906.jpg

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khi Trung Quốc lại rất "khát" lương thực. Ảnh: Green Peace

Ngược lại, Trung Quốc – quốc gia đông dân nhất thế giới lại rất “khát” lương thực nên hàng năm còn phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo và là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2013 đạt hơn 3 triệu tấn, gồm cả tiểu ngạch và chính ngạch. Tính tới tháng 4, xuất khẩu chính ngạch gạo sang thị trường Trung Quốc đạt gần 400 triệu USD.

Thủy sản

Với tổng sản lượng thủy sản cả năm 2013 đạt hơn 6  triệu tấn, trong đó khai thác đạt hơn 2,7 triệu tấn, nuôi trồng 3,5 triệu tấn. Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Mỗi năm, lượng hàng thủy sản nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 triệu USD thủy sản từ Trung Quốc, bằng khoảng 4% so với mức xuất khẩu sang thị trường này.

catra4-500-8722-1402288906.jpg

Các mặt hàng thủy sản Trung Quốc nhập vào Việt Nam mỗi năm không đáng kể. Ảnh: HVG

Năm 2013, một số mặt hàng thủy sản Trung Quốc như cá tầm, cá quả… được nhập lậu vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, với những biện pháp mạnh của cơ quan chức năng, mặt hàng này hiện nay gần như vắng bóng trên thị trường. 

Bánh kẹo

Điều tương tự cũng xảy ra với sản phẩm bánh kẹo khi không ít lần cơ quan quản lý thị trường phát hiện và tịch thu hàng tấn lô hàng bánh mứt kẹo Trung Quốc do không ghi rõ hạn sử dụng và kém chất lượng. Thậm chí, trong thời điểm thông tin về melamine tràn lan thị trường, nhiều siêu thị còn ngừng bán bánh kẹo có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Kinh-Do1-6936-1402288906.jpg

Bánh kẹo Trung Quốc rất lép vế trước hàng Việt Nam. Ảnh: KDC

Thua kém về chất lượng, bánh kẹo Trung Quốc lép vế trước hàng Việt Nam. Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay các doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 70-75% thị phần bánh mứt kẹo trong nước. Riêng dịp Tết, hàng nội có thể chiếm tới 80-90% lượng tiêu thụ của các siêu thị. 

Dịp Tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua, bà Dương Thị Quỳnh Trang – Giám Đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của Hệ thống siêu thị BigC cho biết bánh đóng hộp Việt Nam chiếm tới 90% sản phẩm tiêu thụ trong hệ thống. Lãnh đạo Saigon Co.op cũng thừa nhận những năm gần đây, thị trường bánh kẹo có sự bứt phá của các doanh nghiệp nội, do đó nhiều siêu thị đã ưu tiên sử dụng sản phẩm này.

Xe máy

Nếu như khoảng chục năm trở về trước, các loại xe máy Trung Quốc xuất hiện khá nhiều tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân, đặc biệt là người dân ở thành phố đã không còn sử dụng loại xe có xuất xứ từ quốc gia này nên nhiều đại lý không còn nhập về.  

xe-may-500-1935-1402288906.jpg

Xe máy Trung Quốc thất thế trên thị trường Việt Nam do chất lượng kém, chế độ bảo hành không tốt.

"Hàng chính hãng giờ cũng có rất nhiều loại, được lắp ráp trong nước nên giá chỉ cao hơn loại Trung Quốc một vài triệu, chế độ bảo hành đảm bảo nên dần được thay thế", chủ một đại lý cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2012, Honda chiếm 60% thị phần xe máy Việt, 40% còn lại là của các hãng còn lại như Suzuki, Yamaha, Piaggio, SYM, Kymco... 

Cao su

Tại Việt Nam, sản xuất và xuất khẩu cao su có tốc độ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Hiện Việt Nam xuất khẩu cao su đến 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, thường chiếm trên 60% sản lượng xuất.

caosu-Tam-8471-1402288906.jpg

Cao su cũng là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Ảnh: Anh Quân

Từ năm 1995, số lượng cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn và có sự tăng vọt từ năm 2005 đến nay. Sở dĩ là do nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc là 1,7 triệu tấn một năm, trong khi sản xuất không đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến. Vì nhu cầu lớn nên Trung Quốc hầu như không xuất sang Việt Nam. 

Ngọc Tuyên - Phương Linh

 

 

 
Nguồn: http://kinhdoanh.vnexpress.net
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác