Kinh tế - Thị trường

Sữa bột - Hàng ngoại ưu thế

Có dịp đến những khu vực bán sữa tại TPHCM như Nguyễn Thông (quận 3) hay khu chợ Cũ (quận 1) sẽ dễ dàng nhận thấy cả người bán lẫn người mua chỉ quan tâm sữa ngoại, bất chấp giá rất cao.

Theo thống kê, năm 2012 cả nước tiêu thụ khoảng 65.000 tấn sữa bột, trị giá 2.300 tỷ đồng, trong đó 70% là sữa ngoại nhập.

Giá nào cũng mua

Chị Nguyễn Thu Thủy (quận 12) có con khoảng 17 tháng tuổi, cho biết từ khi sinh con đến nay chỉ cho con uống sữa Friso Gold của FrieslandCampina. Trong khoảng thời gian này giá sữa liên tục tăng, thậm chí có lần tăng đến 30.000 đồng/hộp.

Giá 1 hộp sữa Friso 1,5 kg con chị đang uống hiện có giá 650.000 đồng, cao gần gấp đôi sữa nội, nhưng chị không thể đổi qua sữa nội vì “con uống không hợp, uống không lên cân đều”. Như vậy mỗi tháng chị phải chi khoản tiền gần 2 triệu đồng cho 3 hộp sữa.

Thực ra, muốn con uống sữa ngoại để tăng cân, tăng chiều cao không phải suy nghĩ của riêng chị Thủy. Khi chúng tôi đến những khu vực bán sữa khá lâu năm của TPHCM như Nguyễn Thông (quận 3) và khu vực chợ Cũ (quận 1) hỏi mua sữa, hầu hết người bán hàng đều giới thiệu cho chúng tôi các loại sữa ngoại, như vậy người mua thường chỉ biết chọn thương hiệu ngoại.

Hiện có 3 sản phẩm sữa bột ngoại đang chiếm ưu thế trên thị trường là các dòng của Abbott, Enfa, FrieslandCampina. Trong đó dòng sữa của Abbott được người bán lẫn người mua ưa chuộng hơn cả.

Theo giải thích của một số người bán hàng sữa, Abbott giúp tăng chiều cao và cân nặng cho trẻ khá tốt, nhất là sau khi sự việc sữa nhiễm khuẩn được giải tỏa nhiều người quay về với dòng sữa Abbott. Một chủ sạp trong khu vực chợ Cũ cho biết giá sữa ngoại hiện chưa tăng nhưng chắc vài ngày nữa sẽ tăng, bởi gần như là quy luật, cứ vài tháng giá sữa ngoại lại tăng một lần.

Ngoài những dòng sữa kể trên, trên thị trường hiện nay còn rất nhiều loại sữa nhập ngoại khác như Gallia, Nutriben của Pháp, Aptamin của Anh, Đức… Những dòng sữa này được người bán giới thiệu là hàng xách tay mang về. Không chỉ mua hàng ở các đại lý, người mua bây giờ có thể mua qua kênh bán hàng online với những lời giới thiệu “có cánh”, như có người nhà bên Pháp, Anh mang hàng về, hay có người nhà làm tiếp viên nên hàng đảm bảo.

Có những trang web bán hàng giới thiệu đủ dòng sữa xách tay từ Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Rất nhiều người tiêu dùng với tâm lý muốn dành tất cả những gì tốt nhất cho con, đã tin tưởng vào những lời quảng cáo của các nhà nhập khẩu cũng như những người bán hàng xách tay kiểu này, để rồi giá nào cũng mua, bất chấp giá cao gấp 2, gấp 3 lần sữa nội.

Thách thức quản lý

Cách đây không lâu, thị trường sữa dậy sóng trước thông tin nhiều loại sữa ngoại có giá bán trên thị trường cao gấp 5-6 lần giá nhập khẩu. Vào thời điểm đó, đã có những thông tin gây sốc cho người tiêu dùng, như giá nhập khẩu sữa bột Similac Advance (hộp 658gr) có giá 119.700 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 540.000 đồng/hộp (chênh 351%). Sữa bột Gallia số 1 (900gr) có giá nhập 119.700 đồng/hộp, bán lẻ 560.000 đồng/hộp (tăng 367%). Sữa bột Nestle Nido Kinder (hộp 1,6kg), giá nhập 115.300 đồng/hộp, nhưng giá bán lẻ lên tới 600.000 đồng/hộp… Tuy nhiên, dường như điều này cũng không khiến người tiêu dùng quay lại mua sữa nội.

Để giúp lập lại trật tự giá sữa, các Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã có những động thái khá mạnh tay. Cụ thể, Thông tư 30 của Bộ Y tế cho biết bắt đầu từ ngày 20-11-2013, các sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dành cho trẻ từ 0-6 tuổi sẽ được đưa vào diện hàng bình ổn và quản lý giá.

Thế nhưng, vẫn không thiếu các ý kiến nghi ngờ rằng các nhà nhập khẩu sẽ không thiếu cách lách để tăng giá sữa. Trao đổi với một số người bán hàng trên khu vực đường Nguyễn Thông về vấn đề này, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu kiểu như chuyện này không có gì mới: “Nếu họ muốn tăng thì cách nào cũng tăng giá được”.

Thực tế, không chỉ nhà nhập khẩu tăng giá, ngay cả các đại lý cũng tự tăng giá bán sữa, tạo sự khan hàng giả tạo, khiến người tiêu dùng lao đao. Có thời điểm mua sữa Similac còn khó hơn “vác thang lên hỏi ông trời”. Trong khi đó, tâm lý người mẹ có con đang uống quen sữa thì không thể đổi, nên giá nào cũng phải mua.

Trong bối cảnh các cơ quan chức năng vẫn chưa thể quản lý được giá sữa, thậm chí còn thả nổi, việc quản lý giá sữa sẽ rất khó đi vào quỹ đạo. Nhìn lại tốc độ tăng giá sữa có lẽ sẽ khiến nhiều người phải giật mình: Chỉ trong 6 năm giá sữa bột tăng trung bình 30 lần. Như vậy cứ hơn 2 tháng có 1 lần tăng giá.

Đó là chưa kể nỗi lo về việc hàng nhái, hàng giả, mà gần đây nhất là những thông tin Abbott tố cáo một công ty Việt Nam làm giả giấy tờ nhập sữa Ensure. Sự việc chưa ngã ngũ nhưng đang khiến người tiêu dùng thêm hoang mang.

Đức Mạnh

Nguồn: dunghangviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác