Sinh sản ở bò sữa
Phát hiện động dục và đỡ đẻ cho bò
Đặc điểm sinh sản của bò:
- Tuổi bò bắt đầu phối giống: 18-24 tháng.
- Chu kỳ động dục: 21 ngày (17-23 ngày).
- Thời gian động dục trở lại sau khi đẻ: 60-90 ngày.
Phát hiện động dục
Kết quả phối giống nhân tạo cho bò phụ thuộc nhiều vào việc phát hiện động dục.
- Phát hiện động dục ít nhất 2 lần trong ngày (sáng và chiều tối là hai thời điểm tốt để quan sát, theo dõi bò động dục).
- Biểu hiện tin cậy nhất là bò chịu đực.
Bò thích gần và hít ngửi âm hộ con khác
- Trứng rụng sau khi kết thúc chịu đực khoảng 10-14 giờ.
- Phối giống vào giai đoạn chịu đực và trước khi kết thúc động dục, thời gian này khoảng 24 giờ kể từ sau khi bò bắt đầu chịu đực.
Những biểu hiện chủ yếu khi bò động dục
Thời gian động dục của bò cái 24-36 giờ, có thể chia làm 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn trước chịu đực (6-10 giờ)
- Con vật băn khoăn, ngơ ngác, kêu rống, chạm sừng nhau, không cho bò khác nhẩy lên.
- Âm hộ sưng, hơi mở, có màu hồng.
2. Giai đoạn chịu đực (12-18 giờ)
Bò chịu đực đứng yên để con khác nhảy lên
- Con vật hưng phấn cao độ thích nhẩy lên con khác. Sau đứng yên để con khác nhảy lên.
- Âm hộ hơi mở, có mầu hồng.
- Niêm dịch keo dính chảy ra thành sợi từ mép âm môn, dính bẩn ở đuôi và mông đít.
- Ăn uống ít hoặc không chịu ăn.
- Bò chịu đực đứng yên để con khác nhẩy lên.
3. Giai đoạn sau chịu đực (6-10 giờ)
- Không cho con khác nhảy lên.
- Ăn uống trở lại bình thường.
* Chủ bò cái đưa bò đi phối giống khi nào?
- Bò cái động dục đứng yên cho bò khác nhảy lên (Bò chịu đực)
- Âm hộ hơi mở, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt.
- Niêm dịch keo dính.
Dẫn tinh viên
Phối giống cho bò theo quy luật "sáng, chiều"
Thời gian bò động dục |
Thời gian phối giống |
Sáng |
Chiều |
Chiều |
Sáng hôm sau |
Đỡ đẻ cho bò
Thời gian mang thai của bò: 281 ngày.
Tuỳ theo giống bò có thể tăng 10 ngày hoặc giảm 3 ngày.
+Triệu chứng trước khi đẻ:
- Có hiện tượng sụt mông.
- Bầu vú căng, đầu vú chĩa về 2 bên.
- Nút niêm dịch thải ra, treo lòng thòng ở mép âm môn.
- Đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất.
- ỉa đái nhiều lần.
- Có cơn rặn, bọc ối thò ra ngoài mép âm môn.
Thế nào là bò đẻ bình thường?
Bò đẻ bình thường phải ở 1 trong 2 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Thai xuôi
Thai dọc đầu, sấp: Đầu và cổ thai phải gác lên hai chân trước duỗi thẳng và bằng nhau.
- Trường hợp 2: Thai ngược
Thai dọc đuôi, sấp: Đuôi của thai phải nằm giữa 2 chân sau duỗi thẳng và bằng nhau.
Nếu chiều, hướng, tư thế của thai không ở 2 trường hợp trên là bò đẻ khó, phải mời cán bộ thú y đến can thiệp.
* Quy trình đỡ đẻ
Bò đẻ bình thường không cần can thiệp hoặc chỉ cần dùng tay kéo nhẹ nhàng thai ra.
- Khi bò đẻ sẽ vỡ ối, ta hứng lấy nước ối.
- Cắt dây rốn dài khoảng 10-12cm (không cần buộc dây rốn) sát trùng bằng cồn Iod 5%.
- Lau rớt rãi trong mũi, mồm.
- Để bò mẹ tự liếm con, nếu không liếm ta phải lau khô.
- "Bóc móng" để bê con đỡ trơn trượt khi mới tập đi.
- Cân trọng lượng bê.
- Vệ sinh phần thân sau và bầu vú của bò mẹ.
- Cho bò mẹ uống nước ối, thêm ít muối, cám và nước ấm.
- Cho bê con bú - Ghi sổ sách theo dõi.
* Phương pháp làm hồi sinh cho bê
Bê mới đẻ bị ngạt có thể áp dụng một trong các biện pháp sau:
- Hà hơi thổi ngạt
- Hô hấp nhân tạo
- Dùng cuộng rơm hoặc cái lông gà ngoáy nhẹ nhàng vào lỗ mũi để kích thích.
- Dội nước lạnh: dốc ngược bê xuống và dội xô nước lạnh lên vùng ngực và đầu.
* Phòng bệnh sát nhau
12 giờ sau khi đẻ nhau chưa ra gọi là sát nhau phải can thiệp ngay.
- Phòng sát nhau tốt nhất là cho bò mẹ uống nước ối sau khi đẻ.
- Tiêm oxytoxin 6đv/100kg trọng lượng.
- Thụt Rivanol 1? 600ml vào trong tử cung.
Có thể dùng: lá hồng bì hoặc lá khế 500g
Lá trầu không 20g
Giã nát ngâm trong 1 lít nước đun sôi để nguội gạn nước cho bò uống.
* Chữa bệnh viêm tử cung
Dùng Lugol 1? thụt 50ml vào tử cung.
Sau 3-4 ngày thụt kháng sinh.
Penicillin 1 triệu đơn vị
Steptomycin 1 gam
Nước cất 10ml
Chú ý: -Nếu còn mủ thì phải tiếp tục thụt rửa Lugol 1?
- Chỉ thụt kháng sinh khi tử cung hết mủ. Hoặc dùng nước muối 1% hay Rivanol 1? thụt rửa tử cung, hút hết nước trong tử cung ra, rồi thụt kháng sinh (liều lượng như trên). Sau khi điều trị nếu bò động dục có thể phối giống.
Nguồn: Viện chăn nuôi
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sinh sản
Vùng gò đồi Quảng Trị có lợi thế về đồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Hơn nữa, những năm qua, phong trào chăn nuôi thâm canh bằng cách trồng cỏ nuôi bò cũng phát triển mạnh trong nông dân đưa lại hiệu quả kinh tế khá. Các chương trình phát triển chăn nuôi ở tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho nông dân khá nhiều về kỹ thuật và kinh phí để cải tạo đàn bò nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò lấy thịt.
Tuy nhiên, để chăn nuôi bò trên địa bàn đạt hiệu quả cao và phát triển mạnh hơn, đưa giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh thì không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò lấy thịt mà còn phải chú trọng nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò cái sinh sản, bởi đây là một trong những yếu tố làm tăng đàn nhanh và cũng góp phần quyết định nâng cao chất lượng đàn.
Trong chăn nuôi bò cái sinh sản, mục tiêu là làm sao để bò cái sinh sản con giống tốt, đồng thời cũng cần chú trọng số lượng bê con mà bò mẹ đẻ ra, tức là phải làm sao để bò cái đẻ càng nhiều lứa càng tốt và mỗi lứa phải đảm bảo chất lượng bê con khỏe mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc chăm sóc bò mẹ phát triển tốt, phải rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ đảm bảo sao cho bò mẹ đẻ mỗi năm một lứa là hợp lý. Nếu không có biện pháp chăm sóc tốt thì giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa lứa kế tiếp bị kéo dài. Vì vậy, nông dân cần chú ý chăm sóc và phát hiện bò cái động dục sớm để giai đoạn từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa lứa kế tiếp chỉ kéo dài khoảng 2 - 3 tháng.
Bò cái trước, trong và sau khi đẻ cần phải được chăm sóc cẩn thận. Vào giai đoạn trước khi đẻ 2 tháng và ngay sau khi đẻ, nuôi dưỡng bò cái hợp lý, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của gia súc. Chăm sóc chu đáo bò cái vào lúc đẻ như: vệ sinh chuồng đẻ sạch sẽ, bảo đảm các điều kiện vệ sinh và hộ lý tốt, dự phòng những tai biến trong khi sinh. Sau khi bò đẻ nên dùng dung dịch Rivanol 1 - 2% hoặc dung dịch Lugol để thụt rửa tử cung.
Trong trường hợp đẻ khó, sót nhau hoặc bị viêm nhiễm đường sinh dục, cần can thiệp và điều trị kịp thời, tích cực để sớm phục hồi chức năng sinh sản của bò cái. Ngoài việc chăm sóc tốt bò cái, nông dân cần chú ý phát hiện động dục kịp thời cho bò để tiến hành phối giống trực tiếp hoặc thụ tinh nhân tạo vào thời điểm thích hợp.
Do vậy, để phát hiện chính xác bò cái động dục và thực hiện phối tinh hiệu quả, nông dân cần có sổ ghi chép các số liệu sinh sản của mỗi con bò như tuổi; ngày đẻ lần cuối; lần đẻ cuối có diễn ra bình thường không; ngày, tháng động dục... Quan sát để phát hiện động dục 2 - 3 lần/ngày, thả bò cái ra bãi chăn hoặc một khoảng trống để dễ dàng quan sát các dấu hiệu động dục. Có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ phát hiện động dục như sờ nắn qua trực tràng.
Tiến hành phối giống trực tiếp hoặc thụ tinh nhân tạo cho bò cái đạt tỉ lệ thụ thai cao. Sử dụng những con đực giống tốt rồi thả chung với đàn bò cái. Đực giống trong đàn đảm bảo tỷ lệ 1/20 - 25. Bò đực giống phải được nuôi dưỡng tốt để tạo ra bê con được tốt. Nếu thụ tinh nhân tạo thì khi phát hiện thấy bò động dục báo ngay cho dẫn tinh viên để phối giống kịp thời.
Trong thụ tinh nhân tạo cần chọn lựa và sử dụng loại tinh chất lượng tốt để phối giống và thụ tinh đúng kỹ thuật. Các thao tác chuẩn bị thụ tinh nhân tạo phải tiến hành trong bóng râm và tránh tia nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào tinh. Phải tiến hành phối tinh trong điều kiện yên tĩnh, không gây tác động thô bạo cho bò cái. Thời điểm phối tinh thích hợp nhất là vào nửa thứ hai của thời gian động dục.
Thông thường người chăn nuôi tiến hành quan sát các dấu hiệu động dục 2 lần/ngày, nếu thấy bò cái động dục vào buổi sáng thì phối vào lúc chiều tối, còn nếu thấy động dục vào buổi tối thì phối vào sáng sớm ngày hôm sau (có thể tiến hành phối tinh lặp lại, 12 giờ sau lần phối thứ nhất).
Trong trường hợp có một số con bò cái động dục sớm sau khi đẻ, nhưng cũng không nên phối tinh sớm trước 2 tháng sau đẻ vì tỷ lệ thụ thai thường thấp gây tốn kém chi phí thụ tinh, tốt nhất là phải để cho bò cái phục hồi sức khỏe sau khi sinh trên 2 tháng mới phối giống lứa tiếp theo.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt trong chăn nuôi bò cái là yếu tố tốt nhất để tăng đàn nhanh và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
TRẦN THẢO HIỀN - Báo Quảng Trị, 22/12/2010