Bò thịt
Nuôi bò Kobe “made in Việt Nam”
Anh Vũ cho biết, hương thơm nhẹ đặc trưng kết hợp vị béo của những thớ thịt đã giúp thịt bò Kobe được xếp vào hàng “cực phẩm” và được xem là đắt nhất thế giới do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc cao.
Với mong muốn đem sản phẩm thịt bò Kobe về Việt Nam, năm 2009, anh Vũ quyết tâm xây dựng trang trại và đây cũng là bước ngoặt để Công ty cổ phần Bò Kobe Việt Nam ra đời (hợp tác với đối tác Nhật Bản).
Công ty nhập tinh bò Kobe từ Mỹ (với giá 40 USD/liều tinh) về phối giống với bò sữa cho ra bò Kobe thế hệ F1. Năm 2011, công ty đưa 120 con bò sữa (nhập 100 con từ Úc, Thái Lan, 20 con ở Việt Nam) về nuôi và cách ly, kiểm dịch, sau khi các điều kiện sức khỏe của bò được đảm bảo mới bắt đầu phối tinh.
Anh Vũ kể, sau khi nhập tinh bò Kobe về Việt Nam, công ty cho phối với bò HF (Holstein Friesian) - một giống bò sữa của Hà Lan có chất lượng tốt và khả năng thích nghi cao với vùng đất cao nguyên Lâm Đồng. Mục đích nuôi để lấy thịt nên bò Kobe được vỗ béo từ những tháng đầu sau khi sinh.
Thức ăn dành cho giống bò này được kết hợp từ nhiều nguyên liệu, như cỏ voi, bắp ủ chua, bã mía, hèm bia, rỉ mật, gạo (tấm), cám, bã đậu nành, đậu phộng, bánh dầu...
Chuồng trại được dọn vệ sinh 2 lần/ngày. Nguồn nước và thức ăn trong máng luôn duy trì, không để cạn hết, vì đặc điểm bò Kobe cần được ăn, uống thường xuyên. Càng lớn, bò Kobe cần lượng thức ăn tinh càng nhiều (ở độ tuổi trưởng thành, một con bò Kobe có thể ăn 60kg - 80kg thức ăn/ngày).
Ngoài ra, bò Kobe còn cần được nuôi dưỡng trong môi trường có âm nhạc, vì tiếng nhạc có tác dụng thư giãn, kích thích, giúp bò ăn nhiều hơn. Trước khi xuất chuồng (khoảng 2 - 3 tháng), bò được “bồi dưỡng” thêm bằng bia (bia là loại thức uống được làm từ lúa mạch, có tác dụng giúp bò kích thích tiêu hóa và tăng lượng mỡ trong thịt, tạo vóc dáng vạm vỡ).
Lúc này, bò Kobe được người nuôi sử dụng “công nghệ massage” để hình thành những vân mỡ trong xớ thịt. Dựa vào lượng vân mỡ trong thịt nhiều hay ít, thịt bò Kobe được phân loại chất lượng cao hay thấp.
Theo anh Vũ, ở Nhật Bản, sau khi mổ, thịt bò Kobe được các chuyên gia đánh giá phân loại chất lượng thịt, dựa vào hàm lượng thịt và tỷ lệ vân mỡ trên thịt để quyết định cấp độ thịt từ loại 1 đến loại 5. Tại Nhật, loại thịt bò Kobe đạt chuẩn A5 (loại ngon nhất) hiện được bán ra với giá 180 - 200USD/kg.
Còn ở Việt Nam, lượng thịt bò xuất chuồng trong những năm đầu chưa nhiều, vì mỗi lứa chỉ khoảng 5 - 10 con, mỗi con có trọng lượng xuất chuồng cỡ 800 - 900kg và trung bình lượng thịt thương phẩm chỉ khoảng 300 - 400kg.
Như vậy, mỗi tháng lượng thịt bò Kobe của trại xuất ra thị trường khoảng 4 tấn, với giá dao động 3,5 - 5 triệu đồng/kg (tùy theo từng loại như đùi, vai, ba chỉ…).
Đến nay, trang trại bò Kobe của anh Vũ đã tăng đàn lên khoảng 400 con (trong đó có 180 con bò Kobe F1 và 200 con bò sữa HF - bò cái nền). Hiện công ty đã thành lập văn phòng tại Hà Nội và TPHCM, vừa làm giao dịch mở rộng thị trường, vừa làm đại lý độc quyền bán thịt bò Kobe cho các nhà hàng, siêu thị, nhằm giới thiệu đến mọi người biết về giống bò đặc trưng này.
Về lâu dài, sau quá trình nuôi thử nghiệm ổn định, thế hệ bò thịt Kobe F1 (ra đời được 4 tháng tuổi) sẽ được công ty chuyển giao cho người dân địa phương nuôi gia công trong giai đoạn trưởng thành.
Đến 26 tháng tuổi, công ty sẽ nhận bò trở lại để tiếp tục nuôi giai đoạn vỗ béo trước khi xuất chuồng. Qua đó, giúp nông dân cải thiện kinh tế và đây cũng chính là hướng tích cực để ngành chăn nuôi bò thịt của Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển hơn.
Anh Vũ cho biết: “Tuy trang trại đang dần phát triển, nhưng vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Vì là lần đầu nuôi ở Việt Nam nên chúng tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm và kiểm soát rủi ro. Bước đầu cho thấy bò Kobe có thể nuôi được trên đất Việt. Nhưng cần chú ý về kỹ thuật chăm sóc, vì bò Kobe thích nghi với xứ lạnh nên khi nuôi trong môi trường nóng và độ ẩm cao như ở Việt Nam, giống bò này yếu hơn các giống bò khác. Trong thời gian còn dưới 4 tháng tuổi, bò rất dễ mắc bệnh viêm phổi, chướng hơi, do đó cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, kỹ càng. Ngoài lượng thức ăn hàng ngày, bò Kobe còn được bổ sung vitamin và các khoáng chất thiết yếu”.
M. PHỤNG