Bò thịt

Thị trường thịt bò: Lợi thế có về phe khối ngoại?

Theo lộ trình Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu thịt bò tại Việt Nam sẽ về mức 0% vào năm 2018. Dự báo, thịt bò ngoại du nhập vào Việt Nam sẽ vượt ngưỡng hàng trăm triệu USD/năm. Thị trường này liệu có còn chỗ đứng cho các nhà chăn nuôi nội, hay trở thành "sân chơi" cho khối ngoại?

Bộ ba bò Úc, New Zealand và Canada

 

Ngày 17/3, thịt bò Canada đã được quảng bá rầm rộ trong khuôn khổ chuỗi chương trình giới thiệu thịt bò Canada tại các nước châu Á do Viện Nghiên cứu quốc tế thịt bò Canada tổ chức.

 

Cùng với thịt bò Úc và New Zealand, thì sự khuếch trương mạnh mẽ của thịt bò Canada lần này đã đánh dấu sự có mặt của bộ ba nhà sản xuất thịt bò lớn nhất trên thế giới tại thị trường Việt Nam.

 

So với sự mở rộng của thịt bò Úc tại thị trường Việt Nam, ước đạt 200 triệu USD năm 2014 (gồm bò hơi và bò đông lạnh), thịt bò Canada (Top 10 nước xuất khẩu thịt lớn nhất thế giới) chỉ mới chiếm tỷ khá nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/8 so với Úc.

 

Theo ông Rob Meijer, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế thịt bò Canada, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu thịt bò của Canada đạt 1,9 tỷ USD, có mặt trên 80 quốc gia, trong đó, khu vực châu Á chiếm 20% tổng kim ngạch và được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược của thịt bò Canada.

 

"Riêng Việt Nam, dù chỉ mới đạt khoảng 25 triệu USD, nhưng chúng tôi đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa nhu cầu tiêu thụ thịt bò Canada tại Việt Nam", ông Rob Meijer chia sẻ.

 

Theo cam kết của ATIGA, thuế nhập khẩu thịt bò sẽ về mức 0% vào năm 2018, cộng với nhu cầu thịt ngoại ngày một tăng cao, Việt Nam trở thành thị trường cơ hội cho các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp.

 

Từng chia sẻ về chiến dịch 3 năm (2013 - 2016) nhằm quảng bá thịt và các sản phẩm từ thịt tới thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Việt Nam, bà Agnieszka Rozanska, đại diện Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động của ngành công nghiệp thịt (UPEMI), cho hay, tính đến năm 2014, Việt Nam đã nhập hơn 1.100 tấn thịt từ châu Âu, trong đó, thịt bò đông lạnh chiếm 27,3% .

 

Sự góp mặt đông đủ của nhiều loại thịt bò đến từ các nước trên thế giới đã tạo ra cuộc cạnh tranh không chỉ về giá, mà còn về chất lượng. Cụ thể, như bò Mỹ đánh giá chất lượng thông qua thành phần thức ăn chủ yếu là bắp. Còn bò Úc, được đánh giá có nguồn thức ăn là cỏ.

 

Trong khi đó, bò Canada lại tự hào với nguồn thức ăn là ngũ cốc nên mức giá sẽ dao động từ 5 - 17 USD/kg ( khoảng 105.000 - 357.000 đồng/kg), tùy từng loại thịt.

 

Ngoài ra, từ tháng 4/2014, thị trường Việt cũng đã đón nhận sự du nhập của thịt bò Nhật, sau nhiều năm chỉ có hàng xách tay hoặc nhập lậu vào Việt Nam. Công ty Hanasho Việt Nam, nhà phân phối thịt bò Nhật đang ráo riết tìm đối tác nhằm mở rộng mạng lưới phân phối tại thị trường TP.HCM.

 

Bò nội mất chỗ đứng?

 

Hiện tại, giá các loại thịt bò ngoại đông lạnh dao động từ 250.000 - 500.000đồng/kg, cạnh tranh quyết liệt với thịt bò Việt Nam. Các nhà nhập khẩu cũng nhập bò hơi để giết mổ, phân phối, bán lẻ. Từ phân khúc tiêu dùng trong nhà hàng, khách sạn, thịt bò ngoại đã được giới tiêu thụ tầm trung chấp nhận.

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2014, cả nước nhập khẩu hơn 208.700 con trâu bò sống, tăng đến 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn nhập 559 tấn thịt bò không xương, 24.246 tấn thịt bò có xương...Những công ty lớn như Vissan cũng nhập bò Úc về giết mổ mỗi ngày khoảng 50 con, nhưng nguồn cung hạn chế nên chưa thể tăng mạnh hơn. Hiện bò Úc chiếm khoảng 70% thị phần tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam.

 

Ở chiều ngược lại, theo ông Vinh, một chủ lò mổ có tiếng tại Củ Chi, sản lượng bò Việt Nam đang giảm mạnh. Như năm 2014, sản lượng bò do lò thu mua, giết mổ giảm từ 100 con xuống chỉ còn 50/con một ngày. Thịt bò từ lò phân phối chủ yếu cho Metro, một số chợ trên địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp...

 

Đặt vấn đề liệu thịt bò Việt Nam có cạnh tranh nổi với thịt bò ngoại trong giai đoạn sắp tới, ông Vinh phân tích: "Thịt bò Việt có màu sắc trông đỏ và đẹp mắt hơn so với bò Úc, cho thịt ngọt ngon không kém thịt bò ngoại. Tuy nhiên, một số người kinh doanh hám lợi đã bơm nước vào thịt bò để tăng trọng lượng, khiến cho thịt bò trong nước bị mang tiếng xấu".

 

Chia sẻ về việc nhập khẩu thị bò, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, đây là hệ quả tất yếu do nguồn cung trong nước thấp hơn nhu cầu. Với những đặc thù tự nhiên Việt Nam không thể chăn nuôi lớn theo quy mô công nghiệp như Úc và các nước khác có đồng cỏ rộng lớn.

 

Do đó, bò Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh nổi về giá, chất lượng với bò các nước khác. Trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt nhằm tăng giá trị trong nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào quy trình, quy mô, giá thành, đòi hỏi nhà đầu tư phải đầu tư một cách bài bản và có kế hoạch dài hơi.

 

Hiện nay, ngoài những nhà đầu tư lớn như Hoàng Anh Gia Lai hợp tác cùng Vissan, Saigon Food hay Thành Thành Công, thị trường còn có các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác, nhưng số lượng đàn bò vẫn còn rất khiêm tốn. Tổng đàn bỏ cả nước hiện khoảng 6 triệu con nhưng giống bò năng suất thấp, bò thịt chỉ nặng khoảng 250 kg/con, không đủ đáp ứng tiêu thụ trong nước.

DUY KHUÊ

Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác