Định hướng phát triển ngành sữa việt nam

Cơ hội cho ngành sữa

Bình quân mỗi người VN mới tiêu thụ 11 lít sữa/năm, quá thấp so với các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc... Về khả năng sản xuất, hiện ngành chăn nuôi trong nước mới sản xuất được cho mỗi người dân 3,2 kg sữa/năm, tương đương với 28% nhu cầu tiêu dùng.
Đó là nhận định của ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục chăn nuôi ( Bộ NN và PTNN) hôm thành lập Trung tâm đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa Ba Vì và khai giảng khoá học đầu tiên cho người nuôi bò sữa Ba Vì và Gia Lâm (Hà Nội), Bắc Ninh, Hưng Yên. Đây cũng chính là cơ hội để DN cũng như người nông dân tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa lĩnh vực này.

Thiếu yếu tố cơ bản

Sở dĩ năng suất của ngành sữa thấp là do về nghề chăn nuôi bò sữa ở VN phát triển chưa được như yêu cầu. Mà nguyên nhân này lại bắt đầu từ diện tích đồng cỏ cũng như tính chuyên nghiệp còn quá nhiều hạn chế. Theo ông Giao, thành bại của nghề chăn nuôi gia súc là nhờ đồng cỏ. Bên cạnh đó là kỹ thuật chăn nuôi cũng cần được nâng cao hơn. Con bò sữa rất khó chăm sóc, bản thân người nuôi bò sữa phải được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Từ 2009 và đầu 2010, tốc độ phát triển đàn bò sữa rất nhanh, nhưng chứng ta cũng cần cảnh báo người chăn nuôi nếu phát triển ồ ạt, không chú ý đào tạo nghề có thể gặp những rủi ro như từng xảy ra trong quá khứ. Việc phát triển đàn bò sữa quá nhanh, tự phát, không bài bản cũng sẽ làm cho năng suất thấp. Theo ông Giao, hiện năng suất sữa của bò sữa VN mới đạt 4.000 kg/năm. So với bò sữa Australia, New Zealand, Hà Lan, Mỹ, Israel..., năng suất sữa ở VN chỉ đạt 40-60%. Tại VN, cũng đã có bò sữa cho năng suất 12 ngàn kg/năm, nhưng số lượng bò sữa đạt kỷ lục này rất hiếm.

Kết hợp hai nhà

Nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến 2015, nhu cầu tiêu dùng sữa ở VN tăng trưởng bình quân 12-15%/năm, nhưng tốc độ phát triển ngành chăn nuôi chưa thể theo kịp. Và để giải quyết vấn đề này thì chính các DN phải là người vào cuộc cùng nông dân. Hiện đã có một số DN như Cty cổ phần sữa quốc tế (IDP) đầu tư trọn gói từ xây dựng vùng nguyên liệu (trong đó có cả đào tạo miễn phí cho người chăn nuôi bò), thu mua, chế biến sữa, là mô hình có thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong nước. Ngoài sự chủ động của DN, bản thân người nông dân cũng phải xác định được việc học hỏi bài bản. Anh Đào Văn Chiên (ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), học viên của TT đào tạo nghề chăn nuôi bò sữa Ba Vì cho biết, năm 2008, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, gia đình anh đã gặp rủi ro khi mua một bò sữa 22 triệu đồng nhưng sau phải bán thành bò thịt, thu về được 4 triệu đồng. Nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi. Ở quê anh hiện bò sữa là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Vì vậy, những kiến thức chăm sóc bò sữa, nhận biết như thế nào là dấu hiệu bò bệnh và chữa bệnh cho bò như thế nào rất cần thiết với người chăn nuôi. Đó là lý do anh Chiên đăng ký tham gia khoá học nghề chăn nuôi bò sữa do IDP và TT nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì tổ chức. 

Theo ông Hoàng Thanh Vân - Bí thư huyện uỷ Ba Vì (Hà Nội), hiện đàn bò sữa của Ba Vì mới đạt trên dưới 5.000 con, khả năng phát triển có thể lên đến 15-20 ngàn con và là nguồn thu khá chủ lực cho người dân trong huyện. Ông Vân cho rằng: Thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cộng với đầu ra cho sữa đang thuận lợi, cho thu nhập cao hơn hẳn canh tác truyền thống. Điều quan trọng là DN cần tổ chức nhiều hơn các khóa trang bị kiến thức,  đào tạo, nuôi bò sữa cho nông dân, tạo cơ hội và đáp ứng được nhu cầu của ngành sữa, DN và người tiêu dùng.


Nguồn: dddn.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác