Định hướng phát triển ngành sữa việt nam

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

1. Quy mô nhỏ, nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan

Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững được đề ra trong bối cảnh ngành còn đối mặt với bộn bề gian khó. Nhiều ý kiến cho rằng, quy mô nhỏ lẻ, bất cập trong khâu giống, phát triển đồng cỏ, vùng nguyên liệu cho chế biến thức ăn,... là “rào cản” khiến mục tiêu trên khó thành hiện thực.

Sẽ thật khó để tìm được gam màu sáng trong “bức tranh” chăn nuôi ở Việt Nam. “Bóng đen” của dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng; hạn chế trong sản xuất, kinh doanh như chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, môi trường ô nhiễm... không chỉ khiến các cấp quản lý đau đầu mà người nuôi cũng lao đao.

Quy mô nhỏ, thiếu bền vững

Trong lần kiểm tra dịch heo (lợn) tai xanh tại Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát đã phải thốt lên: “Dịch bệnh lây lan nhanh khủng khiếp”. Không chỉ lây lan nhanh, mức độ thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi ngày càng lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điển hình là Thanh Hóa, toàn tỉnh có 1, 3 triệu con lợn, hầu hết đều được nuôi ở quy mô hộ gia đình. Mà đã nuôi nhỏ lẻ theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, tận dụng thức ăn thừa thì tất nhiên chẳng hộ nào quan tâm tới công tác tiêm phòng hay phòng chống dịch bệnh theo quy trình của cơ quan thú y.

Những năm qua, ngành chăn nuôi luôn giữ mức tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2001-2006 tăng 8,5%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2006 tăng trưởng 7,3% so với năm 2005. Tuy nhiên, năm 2007 chỉ đạt 4,6%, tỷ trọng của ngành tăng 24,1% ( giảm 1,4% so với năm 2006 ). Tổng đàn gia cầm tăng từ 216 triệu con năm 2001 lên 226 triệu con năm 2007, tổng đàn trâu là 2.996.415 con, đàn bò 6.724.703 con.

Không chỉ hộ chăn nuôi gặp khó mà cả những dự án được sự hỗ trợ khá hấp dẫn cũng thất bại. Đơn cử như Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá ( Tiên Lữ - Hưng Yên ). Những hộ dân tham gia dự án được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/con bò giống; 3,5 triệu đồng/con bò giống ngoại thuần; cho vay không tính lãi 3 năm với mức 10 triệu đồng/con bò giống. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chi phí vận chuyển bò từ cơ sở cung cấp giống về tới hộ gia đình, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi... Tuy nhiên, hiệu quả mô hình mang lại rất thấp. Một số hộ có bò sinh sản, nhưng phần lớn là bê đực, không phát triển được, nhiều con chết ngay sau khi sinh. Số còn lại được xẻ thịt bán. Nguyên nhân của thực trạng này là do bò không được chăm sóc đúng cách nên gày yếu. Bên cạnh đó, yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu của địa phương cũng không phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa tại đây.

Lý do thứ hai khiến chương trình thất bại là do kỹ thuật chăn nuôi chưa bảo đảm, nhất là vấn đề thức ăn cho bò. Nuôi bò sữa đòi hỏi phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, tuy nhiên người dân vẫn quen chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chăn thả, tận dụng thức ăn, do đó thất bại là điều tất yếu.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hải Dương thừa nhận: “Ngành chăn nuôi cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn mang tính tự phát; quy mô kinh tế hộ nhiều hơn là kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, thói quen chăn nuôi truyền thống đã ăn sâu trong suy nghĩ của người dân. Việc cấp 4 - 5 ha đất để xây dựng trang trại cũng gặp khá nhiều khó khăn vì quỹ đất hạn chế; ngoài ra còn khó khăn về giống, vốn đầu tư”.

Cần đầu tư Chăn nuôi tập trung

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng manh mún, trên cơ sở đó kiểm soát tốt dịch bệnh là phát triển vùng chăn nuôi tập trung. Xã Thạch Thán ( Quốc Oai - Hà Tây, nay thuộc Hà Nội ) hiện là địa phương duy nhất trong cả nước thành công với mô hình chăn nuôi lợn quy mô trang trại, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

Là xã thuần nông, không có nghề phụ nên chăn nuôi lợn trở thành hướng phát triển chính của người dân nơi đây. Trước khi chuyển các trại lợn ra xa khu dân cư, Thạch Thán phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng. Năm 2005, HTX nông nghiệp Thạch Thán họp bàn với dân, lựa chọn khu đất rộng 35 ha xa khu dân cư thực hiện phương án chuyển đổi. Sau 2 năm triển khai, Thạch Thán có hẳn khu chăn nuôi lợn tập trung “liên kết” nhiều trang trại, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 1,4 - 2 tỷ đồng, nuôi 1.000 - 2.000 đầu lợn/trang trại. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật chăn nuôi cho các chủ trang trại, chính quyền địa phương đầu tư làm đường giao thông, đường điện, hệ thống kênh mương ở khu vực trang trại chuyển đổi. Chủ tịch UBND xã Bùi Tả Ngạn cho biết, chủ trương của xã là tiếp tục đưa thêm các hộ dân có điều kiện ra chăn nuôi ở khu vực đã quy hoạch.

Để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tỉnh Hải Dương tập trung phát triển 3 loại vật nuôi có thế mạnh là lợn, bò và gia cầm; có chính sách quy hoạch đất đai, định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung. Đổi mới chính sách cho vay tín dụng, bố trí sản xuất, chăn nuôi gắn với việc xử lý chất thải, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đưa ra các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi hợp lý, chọn giống tốt, thức ăn chăn nuôi công nghiệp đảm bảo; xây dựng chuồng trại, thiết bị tiên tiến phù hợp với từng vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng vùng. Quy hoạch đất đai, vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Muốn ngành chăn nuôi phát triển ổn định, có chiều sâu, chúng ta cần rà soát và quy hoạch lại đất đai. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao nhận định, cần hình thành các khu chăn nuôi riêng biệt, mang tính công nghiệp, độc lập, cách xa dân cư. Tuy nhiên, nhiều địa phương lại quan niệm đơn giản, chăn nuôi tập trung là gom các hộ nuôi nhỏ lẻ vào một khu đồng bãi nào đó. Vì vậy, một số khu chăn nuôi tập trung đang biến thành gia trại hoặc khu “kinh tế mới”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Vũ Văn Tám : Đừng hiểu quy hoạch chăn nuôi như quy hoạch... khu công nghiệp Hiện, nhiều địa phương đang hiểu quy hoạch chăn nuôi giống như quy hoạch khu công nghiệp ! Đây là suy nghĩ sai lầm. Không nhất thiết phải đem gà, vịt, ngan ngỗng, lợn, bò nhốt vào một khu. Cách làm tốt nhất là chúng ta phải chỉ ra vùng nào phù hợp với từng đối tượng vật nuôi để bố trí đất đai cho hợp lý.

Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã có quy hoạch cụ thể để phát triển chăn nuôi tập trung theo chu trình khép kín, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tuy nhiên, việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung còn nhiều khó khăn. Một số địa phương đã có chính sách dồn điền, đổi thửa để dành đất cho chăn nuôi tập trung, nhưng các hộ có đất lại không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi. Ngược lại, các hộ có vốn lại không có đất. Hơn nữa, đất đã chuyển đổi vào khu chăn nuôi tập trung, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được thế chấp, vay vốn ngân hàng.

Song song với quy hoạch đất, cần quy hoạch lại các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; nhà máy chế biến, giết mổ gia súc và gia cầm tập trung, công nghiệp; xây dựng các kho, cảng, giúp cho việc vận chuyển, dự trữ nguyên liệu thức ăn và thức ăn chăn nuôi... sao cho phù hợp nhất.

2. Nâng cao chất lượng con giống, điều kiện tiên quyết

Dân gian có câu : “Tốt nái tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn”. Kinh nghiệm đó đủ cho thấy khâu giống quan trọng như thế nào trong chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế sản xuất giống ở Việt Nam, người lạc quan nhất cũng phải lo ngại khi số lượng không đảm bảo, chất lượng yếu kém, chưa chú trọng quy mô phát triển...

Trăn trở chất lượng

Năm 2007, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn ( còn gọi là bệnh tai xanh ) xảy ra lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khiến lợn ốm, chết hàng loạt, đặc biệt, đàn lợn nái giảm đáng kể. Sau dịch, lợn giống trở nên khan hiếm nên giá tăng đến 50 - 60%. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại còn tự chủ được nguồn giống, với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều này thực sự không dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Hệ ở thôn Guột, xã Việt Hùng ( huyện Quế Võ ) cho biết: “Trước đây, muốn mua lợn giống chẳng khó khăn gì, cứ đến chợ thấy con nào to, khoẻ, lông mượt thì mua, hoặc bắt ngay của các hộ có lợn nái trong thôn. Bây giờ thì khác, rất ít gia đình mang lợn giống ra chợ bán, bởi thương lái đặt mua trước cả đàn rồi đem bán cho người chăn nuôi với giá cao hơn; nhiều khi gặp phải lợn còi cọc, xấu xí vẫn phải nhắm mắt mua”.

Trong thời điểm khan hiếm con giống như hiện nay, chọn được con giống đạt yêu cầu về trọng lượng, dáng vóc đã khó nói gì đến phẩm cấp, nguồn gốc bố mẹ ra sao. Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi ( Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh ), ngoài nguyên nhân từ bệnh tai xanh còn do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giống bảo đảm chất lượng. Hiện, nhu cầu về giống của người chăn nuôi khoảng 850.000 con/năm, trong khi tỉnh chỉ có 1 xí nghiệp, 2 cơ sở gia công cho Công ty cổ phần CP và 5 cơ sở tư nhân sản xuất giống lợn hướng nạc với tổng số 5.000 nái ông bà, bố mẹ. Số lợn giống mà các cơ sở trên cung ứng được khoảng 100.000 con/năm. Mặt khác, số liều tinh lợn ngoại chất lượng cao mà các cơ sở truyền giống sản xuất mới đáp ứng khoảng 65% nhu cầu, còn lại được nhân giống từ đàn lợn nuôi tự do trong dân. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, khai thác giống không theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng truyền giống kém. Tương tự như đàn lợn, chất lượng bò giống của Bắc Ninh cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Thực tế cho thấy, bò lai Zê-bu có ưu thế hơn hẳn bò vàng địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng đàn bò lai dù đã thực hiện nhiều năm nhưng vẫn không cho kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do số liều tinh bò lai thụ tinh nhân tạo chỉ dừng ở mức khoảng 10.000 liều/năm, đáp ứng 80% nhu cầu, phần còn lại được nhân giống từ đàn bò cóc địa phương. Trong khi đó, bê lai Zê-bu ra đời hầu hết được bán làm bò thịt, ít hộ giữ lại để thay thế bò cóc. Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, bò lai Zê-bu trên địa bàn Bắc Ninh mới chiếm 78% tổng đàn.

Nguồn giống kham hiếm

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, người dân các tỉnh miền Trung phải lao đao vì con giống khan hiếm, đẩy giá lên cao khiến nỗ lực khôi phục đàn gia súc-gia cầm bị ảnh hưởng. Tại Phú Yên, đàn lợn đang giảm mạnh, việc phát triển đàn gặp khó khăn. Thế nhưng, đến nay, một chương trình sản xuất lợn giống đủ mạnh vẫn chưa được hình thành, và nhiều nông dân dù muốn nuôi nhưng đành để chuồng trống. Năm 2007, toàn tỉnh có hơn 129.000 con ( chưa kể lợn sữa ) nhưng nay, chỉ còn hơn 39.000 con, bằng 1/3 so với mọi năm. Nguyên nhân là do người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc phát triển đàn trở lại vì con giống quá hiếm. Hiện, giá lợn giống đã tăng lên 39.000 - 40.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với năm trước.

Trong khi nguồn giống khan hiếm, người dân khó khăn trong việc tìm con giống để khôi phục đàn thì dự án xây dựng trung tâm giống lợn tại Phú Yên vẫn chưa thể triển khai, mặc dù đã được tỉnh đồng ý về chủ trương xây dựng với vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng, quy mô 200 lợn nái giống siêu nạc. Thực tế cho thấy, những năm qua, trung tâm chỉ đủ khả năng cung cấp 100 - 200 con lợn giống và trên dưới 5.000 liều tinh/năm cho người chăn nuôi.

Cần giải pháp chặt chẽ

Cần triển khai trên diện rộng chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zê-bu hoá.

Giai đoạn 2000 - 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã đầu tư 1.040 tỷ đồng cho 129 dự án xây dựng trung tâm giống ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trung tâm giống vẫn trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí nên các dự án phải kéo dài và chưa hoàn thiện hệ thống quản lý. Theo đó, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi ( Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ), để có giống vật nuôi tốt, cần thiết phải có một giải pháp chặt chẽ hơn. Trong Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, Cục sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình giống và nuôi giữ giống gốc, đảm bảo đến năm 2010, có trên 70% con giống đã được chọn lọc và đánh giá bình tuyển.

Về giống bò, cần triển khai trên diện rộng chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zê-bu hoá trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống và sử dụng bò đực giống đã qua chọn lọc ở những nơi chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo; chọn lọc và nhập nội một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò sữa và bò thịt chất lượng cao; nhân thuần các giống bò Zê-bu, bò sữa cao sản nhập nội đã thích nghi với điều kiện chăn nuôi trong nước; khuyến khích bảo tồn và phát triển các giống bò địa phương ưu tú như bò U, bò đầu rìu, bò Mông,... ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La,... nhằm từng bước nâng cao chất lượng các giống bò và tăng cường độ đa dạng sinh học.

Đối với các giống vật nuôi khác, cần chọn lọc đàn trâu, dê, cừu trong sản xuất tạo đàn cái nền và đực giống tốt, thực hiện giải pháp đảo đực giống giữa các vùng; quản lý giống lợn, gia cầm theo hình tháp gắn với từng vùng sản xuất, thương hiệu sản phẩm; chọn lọc, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng các giống lợn, gia cầm địa phương có nguồn gien quý; nhập nội các giống lợn, gia cầm cao sản trong nước chưa có hoặc còn thiếu; xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho mỗi địa phương.

Mở rộng mạng lưới và tiêu chuẩn hoá các cơ sở, chất lượng đực giống của hệ thống thụ tinh nhân tạo lợn, hạn chế việc nhân giống lợn. Cần tổ chức đánh giá bình tuyển, loại thải lợn đực giống kém chất lượng trong sản xuất.

Về kỹ thuật nuôi, các cơ sở phải có chuồng trại được quy hoạch khoa học, thiết kế phù hợp với các điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; nhất thiết phải có hệ thống vệ sinh phòng dịch thú y và xử lý môi trường. Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp, cần áp dụng công nghệ tự động hoá từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất; các cơ sở chăn nuôi phải có sổ sách theo dõi quản lý, lưu giữ số liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; cơ sở giống nhất thiết phải có sổ theo dõi, phần mềm tin học quản lý được các cơ quan chức năng công nhận.

Nếu làm được như vậy, ngành chăn nuôi nước ta sẽ tránh được dịch bệnh, và nông dân không phải “rơi nước mắt” vì thua lỗ.

PGS-TS. Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam : Muốn chăn nuôi bò hiệu quả phải có giống tốt

Giống là khâu quan trọng quyết định sự thành bại trong chăn nuôi. Điều đó càng đúng với bò sữa. Đây là vấn đề thời sự hiện nay. Nước ta không có truyền thống nuôi bò sữa, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận được nhiều bài học do nhập con giống không phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ của người chăn nuôi.

Để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, cần đầu tư chiều sâu về con người, kỹ thuật, thiết bị máy móc chuyên dùng có trọng điểm; đủ kinh phí ổn định; có chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật tâm huyết, đầy trách nhiệm theo mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của chương trình cải thiện giống có chu kỳ.

3. Nguyên liệu, “nỗi khổ” của thức ăn chăn nuôi

Sẽ chẳng quá lời khi ví von : chăn nuôi đang là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất của ngành nông nghiệp. Không chỉ hứng chịu sự "càn quét" của dịch bệnh, nông dân còn phải "giơ đầu chịu báng" trước tốc độ phi mã của giá thức ăn chăn nuôi (TACN). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa chủ động được nguyên liệu chế biến, phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

“ Bão giá ” tan, nông dân chịu

Từ đầu năm đến nay, đã có tới 9 lần các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi công bố tăng giá sản phẩm, trung bình khoảng 40 - 60%, có loại tới 70 - 80%. Hiện thức ăn hỗn hợp các loại có giá 6.000 - 8.000 đồng/kg, thức ăn đậm đặc 12.000 - 14.000 đồng/kg. Mỗi tháng, các doanh nghiệp điều chỉnh giá một đến hai lần, thậm chí, có tháng điều chỉnh tới bốn lần ( mỗi lần tăng 100 - 300 đồng/kg ).

Anh Lữ Hoàng Giang ở ấp Thới Hòa C, phường Thới Long ( quận Ô Môn - Cần Thơ ) cho biết: “Tôi không dám đầu tư nuôi lợn vì chi phí quá cao. Chỉ tính tiền mua giống trên 700.000 đồng/con, rồi thức ăn, tấm cám... tất cả đều đã tăng cao so với trước”. Cùng chung quan điểm đó, anh Văn Thạo ở đội 12, xã Vĩnh Khúc ( Văn Giang - Hưng Yên ) bức xúc: “Giá cám tăng cao nên chăn nuôi chẳng có lãi. Tôi đã trót nuôi nên cố hết lứa này rồi ngừng lại xem tình hình thế nào”.

Tại Bình Định, người chăn nuôi đang “kêu trời” khi từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Tăng nhiều nhất là sản phẩm của các hãng D3, DH, CP, Cargill, Con Cò, trung bình 10.000 - 30.000 đồng/bao, tùy loại. Cụ thể, thức ăn D3 dành cho vịt đẻ hiện có giá 250.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng; loại cho gà thịt 260.000 đồng/bao 40kg, tăng 30.000 đồng. Thức ăn Cargill dành cho lợn giống 200.000 - 235.000 đồng/bao 25kg, tăng 20.000 - 25.000 đồng...

Đâu là nguyên nhân

Bà Bùi Thị Oanh, Trưởng phòng Chăn nuôi - Cục Chăn nuôi ( Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ) cho biết, năm 2006, cả nước có 241 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi , năm 2007 chỉ còn 214 đơn vị ( giảm 11% ). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, có khoảng 30 - 40 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do doanh nghiệp thiếu vốn và giá nguyên liệu quá cao. Với gần 200 doanh nghiệp hoạt động, 6 tháng đầu năm, chúng ta chỉ sản xuất được 4,1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi , đáp ứng 78,8% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao trong thời gian qua.

Có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp lớn trong nước đã đạt tiêu chuẩn ISO nhưng lại chưa có quản lý chất lượng GMP ( hệ thống đánh giá, quản lý, thông tin rủi ro trong dây chuyền sản xuất ) dẫn đến tình trạng chất lượng thức ăn chăn nuôi chưa cao. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng như premix, chất phụ gia và các chất bổ sung khác khiến nông dân gánh chịu “cơn bão” tăng giá thức ăn chăn nuôi.

Một nguyên nhân khác dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng là do ngành nông nghiệp thiếu khả năng quy hoạch phát triển các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Năm 2007, nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào khoảng 17 triệu tấn, trong đó chúng ta chỉ chủ động được 13,3 triệu tấn, nhập khẩu 3,7 triệu tấn ( tương đương 20% ) và là những mặt hàng có giá tăng cao hàng chục phần trăm. Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang gặp phải nghịch lý khi không chủ động được nguồn nguyên liệu chủ chốt có nguồn gốc từ nông nghiệp như ngô, đậu tương, thức ăn thô xanh... Với trên 1 triệu hecta ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,6 triệu tấn/năm nhưng các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm. Các nguyên liệu khác như: bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid cũng trong tình trạng tương tự. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực 10 - 20%.

Trong chăn nuôi bò, thức ăn thô xanh đóng vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều địa phương đã xây dựng dự án, hỗ trợ tiền cho người chăn nuôi nhưng lại không tính đến việc phát triển đồng cỏ. Trong khi diện tích cỏ tự nhiên ngày càng bị co hẹp do tốc độ đô thị hóa và hoang mạc hóa. Chất lượng cỏ tự nhiên cũng bị suy giảm. Theo thống kê, diện tích cỏ trồng tăng 47,07%/năm ( giai đoạn 2001 - 2006 ) nhưng sản lượng chỉ đạt 6,79 nghìn tấn, trong khi nhu cầu của đàn gia súc là 112,89 nghìn tấn, tức còn thiếu 106,1 nghìn tấn. Cỏ trồng ở các địa phương chủ yếu là cỏ voi, lượng cỏ giàu đạm như cỏ họ Đậu, cỏ hỗn hợp,... còn rất ít. Nguồn lợi phụ phẩm công, nông nghiệp tuy dồi dào ( 57.320,48 triệu tấn các loại ) nhưng khả năng tận dụng làm thức ăn chăn nuôi chỉ khoảng 36,5%. Các chợ rơm được thành lập ở khu vực phía Nam không phải để cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc mà để... trồng nấm và lót hàng. Tuy nhiên, thay vì phải chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, hệ thống đồng cỏ rồi mới tính đến phát triển đàn gia súc thì ở ta đã làm ngược quy trình. Điều này chẳng khác gì “xây nhà từ nóc”. Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng, chúng ta đang thiếu khả năng quy hoạch phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho ngành thức ăn chăn nuôi. Vì vậy nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được 68 - 70% so với nhu cầu.

Cần chủ động nguồn nguyên liệu

Để chủ động được nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục.

Việc chủ động, nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn chăn nuôi sẽ góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 42%, với sản lượng thịt xẻ các loại là 5.500 ngàn tấn, trong đó thịt lợn chiếm 63%, thịt gia cầm 32%, thịt bò 4%.

Chăn nuôi, trước tiên cần khống chế dịch bệnh, tăng cường sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước, có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, đơn giản hoá các thủ tục nhập khẩu, thay đổi chính sách tiền tệ... Trước mắt, Cục sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo nguồn thức ăn giàu năng lượng như cám, gạo, ngô; thức ăn thô xanh thông qua việc xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh, phát triển các mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp ( khoảng 60 triệu tấn/năm ) để bổ sung nguồn thức ăn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, việc cần thiết lúc này là tăng cường xây dựng vùng nguyên liệu. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là vốn. Ngoại tệ, khô dầu tăng ảnh hưởng rất nhiều đến giá thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, chúng ta cần chủ động nguồn nguyên liệu và hy vọng Nhà nước sẽ giảm thuế suất đối với các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc điều hành DNTN Thức ăn chăn nuôi Thành Lợi nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Vũ Văn Tám cho biết : Trước mắt, cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, rà soát bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch sản xuất thức ăn chăn nuôi gắn với vùng nguyên liệu, phát triển các giống cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về năng suất, chống chịu dịch bệnh... Bên cạnh đó, cần đa dạng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thông qua việc cho phép các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu và phân phối trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng sàn giao dịch thức ăn chăn nuôi, tăng cường năng lực dự trữ các nguyên liệu như: ngô, khô dầu đậu tương, bột cá... trong thời gian dài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng loại thức ăn này trong chăn nuôi; điều chỉnh cơ cấu vật nuôi để tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, giảm đầu tư, giá thành cho các loại thực phẩm thịt, sữa, trứng...

Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng thiết yếu; đề nghị ngân hàng có chính sách cho vay ưu đãi với nông dân và doanh nghiệp ; ngành hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhanh nhất cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi phải tăng cường thông tin dự báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng về giá. Còn các doanh nghiệp phải công bố giá và đảm bảo chất lượng cho người chăn nuôi...

Với những giải pháp trên, hy vọng, thời gian tới, thị trường thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định, nông dân sẽ không còn phải lao đao trong cơn “bão giá”.

Chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường

Một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh của thực phẩm xuất khẩu là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng ta chỉ thực hiện được yêu cầu này khi có những mô hình chăn nuôi quy mô lớn, tập trung, thân thiện với môi trường; khâu giết mổ, chế biến được quy hoạch hiện đại, khoa học. Vì vậy, chăn nuôi an toàn là hướng đi tất yếu.

Mất vệ sinh và ô nhiễm

Thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm ( VSATTP ) - Bộ Y tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng là do sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn. PGS - TS.Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm nhận định, thực trạng sản xuất, chế biến thực phẩm của ta có quá nhiều vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm; việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo, tình trạng sử dụng các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi khá tuỳ tiện. Về dư lượng kháng sinh trong thức ăn hỗn hợp, tiến hành phân tích 20 mẫu thì có đến 8 mẫu sử dụng kháng sinh. Việc kiểm soát vệ sinh giết mổ còn hạn chế, có quá nhiều cơ sở giết mổ nằm ngoài tầm quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Điều tra hiện trạng giết mổ 258 trong tổng số 4.703 lò mổ thuộc 43 tỉnh, thành phố, phân tích 630 mẫu thịt cho thấy, 87,5% không đạt tiêu chuẩn.

Song song với vấn đề mất Vệ sinh an toàn thực phẩm là tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi gây ra. Chỉ tính riêng năm 2007, lượng chất thải từ chăn nuôi khoảng 61 triệu tấn, nhưng chỉ 40% trong số này được xử lý, còn lại xả trực tiếp ra môi trường.

Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định và Hà Tây cũ, qua khảo sát tại xã Trực Thái ( Trực Ninh - Nam Định ) có 91,13% hộ nuôi lợn và xã Trung Châu ( Đan Phượng - Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội ) với 93,33% số hộ nuôi lợn, quy mô 3 - 43 con/hộ thấy mức độ ô nhiễm đang ở tình trạng báo động. Khí độc NH3, H2S có trong không khí cao hơn mức cho phép 4,7 lần, nhiễm khuẩn trong chuồng trung bình là 18.675 vi sinh vật ( cao hơn tiêu chuẩn của Nga 12 lần ), nước thải nhiễm E.Coli và 25% số mẫu nhiễm trứng giun với mật độ 4.025 trứng/500ml nước thải. Hàm lượng COD ( nhu cầu ôxy hoá học ) là 3.916mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 đến 400mg/lít. Một ví dụ khác, ở các trại lợn tại xã Đức Sơn ( TP. Đồng Hới ) của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình, hàng ngày thải ra lượng chất thải lớn không được xử lý làm 50 hộ dân quanh vùng không thể sử dụng nguồn nước ngầm do có váng vàng, mùi hôi tanh. Tỷ lệ người dân mắc bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa, ghẻ lở rất cao. Chăn nuôi lợn ở xã Tô Hiệu ( Thường Tín - Hà Nội ) với việc xả thẳng phân, nước tiểu lợn ra cống rãnh và hệ thống thoát nước làm môi trường ở đây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Chất gây ô nhiễm môi trường không chỉ là phân mà còn có lượng lớn chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết. Ngoài ra, còn có chất thải rắn trong lò mổ như chất thải trong ống tiêu hóa còn máu, mỡ, phủ tạng hoặc sản phẩm bị loại bỏ trong quá trình kiểm soát giết mổ.

Chỉ tại manh mún, nhỏ lẻ…

Nguyên nhân của thực trạng trên là do sản xuất nông nghiệp nước ta quá nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Cả ba khâu của ngành là chăn nuôi, giết mổ, lưu thông đều chưa kiểm soát được. Mặt khác, chúng ta chưa có đủ bộ máy quản lý chuyên ngành ở tỉnh, huyện. Hiện nay, công tác quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nhiệm nên không đủ khả năng để kiểm soát. Về nhận thức của các đối tượng trong chuỗi cung cấp thực phẩm: người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và quản lý còn hạn chế.

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi ( Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn ) Nguyễn Xuân Dương: “Do không có quy hoạch nên nhiều xí nghiệp chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm còn nằm trong khu dân cư, kể cả trong các quận nội thành; phân bố rải rác và manh mún, lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định. Vì vậy, sức đầu tư vào khâu xử lý môi trường trong chăn nuôi còn thấp. Số lượng các lò mổ đạt yêu cầu vệ sinh mới chiếm khoảng trên 30%. Hiện tượng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, không qua kiểm soát cũng là nhân tố làm tăng ô nhiễm môi trường”.

Trong khi đó, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đặt mục tiêu là nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp : đạt 32% vào năm 2010, 38% năm 2015, 42% năm 2020 và cung cấp những sản phẩm an toàn, chất lượng. Để đạt được mục tiêu này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết: “Chăn nuôi an toàn là cần thiết. Ngành đang chú trọng đầu tư chăn nuôi tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, gắn với giết mổ, chế biến tập trung. Xác định các mô hình sản xuất phù hợp như: trang trại chăn nuôi, tổ hợp tác, doanh nghiệp, công ty cổ phần với những tổ chức liên hoàn về chăn nuôi, chế biến, dịch vụ. Các tổ chức chăn nuôi phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và Vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện quản lý chặt từ nguồn giống đến chất lượng thức ăn; kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến; nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y...”.

Hầm biogas, chế phẩm sinh học, bước khởi đầu cho chăn nuôi sạch

Hiện nay, để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, có rất nhiều công nghệ hiện đại. Tuỳ theo đặc điểm của từng vùng, từng mô hình mà người chăn nuôi sử dụng các biện pháp khác nhau. Trong đó, hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn. Chất thải sau khi đưa vào bể chứa được phân huỷ hết, giảm mùi hôi, kí sinh trùng hầu như bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch, phục vụ việc đun nấu, thắp sáng.

Theo GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp ( Trường Đại Học Nông nghiệp I Hà Nội ) : “Ngoài hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi sẽ làm cho chất thải phân huỷ nhanh, khử mùi tốt và giảm quần thể côn trùng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cho gia súc, gia cầm uống hoặc ăn thức ăn thô có trộn EM còn giảm được nguy cơ mắc bệnh đường ruột”. Ở Vương quốc Anh, chuỗi siêu thị Wal - Mart đã giới thiệu những quả trứng “xanh” với tên thương phẩm là Respecful vào tháng 6/2007. Đây là sản phẩm của đàn gà được nuôi chăn thả tự do trên đồng cỏ, ăn thức ăn hạt sản xuất tại địa phương, sử dụng năng lượng mặt trời, gió thay cho năng lượng hoá thạch trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của trại nuôi gà. Tại đây, đàn bọ sữa cũng được nuôi theo chế độ giảm sản sinh khí mêtan (CH4), hạn chế tác động đến hiệu ứng nhà kính. Hình thức này được gọi là “chăn nuôi xanh” hay chăn nuôi thân thiện với môi trường. “Chăn nuôi xanh” nhắm vào 3 yêu cầu, một là giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, hai là giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính và ba là giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.

Ngoài ra, có biện pháp rất hữu hiệu và bền vững để xử lý chất thải chăn nuôi tiến tới nền nông nghiệp sạch là phát triển mô hình VAC. Gắn kết chặt chẽ trồng trọt với chăn nuôi, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa sử dụng ít phân bón hoá học, tiết kiệm năng lượng. Và đây cũng là mô hình dễ làm, ở đâu cũng có thể xây dựng được, hiệu quả kinh tế lại cao.

Dương Thanh

Nguồn: niemtin.free.fr
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác