Hỗ trợ kỹ thuật
Điều đáng quan tâm khi tình hình nguồn nhân lực ngày càng thiếu hụt thì việc trang bị máy móc trong chăn nuôi bò sữa hiện chưa tương xứng. Chỉ tính riêng máy vắt sữa hiện có trong các hộ nuôi bò chỉ mới có 1084 máy (đạt gần 30% số hộ nuôi từ trên 10 con bò sữa). Đây là sự mất cân đối cần khắc phục nhanh. Bài học kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn phát triển bò sữa bền vững và muốn có thu nhập cao từ chăn nuôi phải thực hiên cho được cơ giới hóa các khâu. Ở Nhật Bản nhờ áp dụng nhiều thành tựu KHKT nhất là công nghệ sinh học vào việc chăn nuôi bò sữa nên năng suất bò sữa ngày càng tăng ( nếu năm 1975 năng suất chỉ đạt 4.464kg sữa/con/chu kỳ thì năm 1995 đạt 6.986kg/con/chu kỳ và năm 2005 đạt 7.850 kg/ con/chu kỳ ).Đặc biệt việc đi từ qui mô nhỏ lẻ chuyễn dần sang qui mô lớn, có áp dụng công nghệ và cơ giới hoá ở nhiều khâu đã thành công. Đây là điều ta cần học và cần làm.
Nông nghiệp thành phố mũi nhọn là chăn nuôi vẫn phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả kinh tế cao. Lao động giãn đơn lùi dần thay vào lao động tri thức, sử dụng máy móc nhiều hơn để có năng suất, chất lượng và thu nhập nông dân tăng nhanh. Vì vậy bên cạnh các chương trình đang thực hiện về huấn luyện đào tạo, khuyến nông chuyển giao, nâng chất đàn giống, mở rộng diện tích cỏ xanh, cải tiến chuồng trại, hoạt động thú y… Việc đưa nhanh cơ giới hóa vào các khâu chăn nuôi bò sữa là việc cần nên làm để có hiệu quả cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Anh ( Quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông Thành phố): muốn chăn nuôi bò sữa có lãi cao, người nuôi phải tính toán và thực hiện nhiều khâu không nên thuê mướn tất cả. Thí dụ ở khâu vắt sữa nếu để mất từ 300 - 500 đồng/kg qua việc thuê người vắt sữa thì rất là thiệt.Việc thực hiện cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa của khuyến nông ở các địa phương đều cho thấy hiệu quả rất cao. Như trên quy mô 10 con /hộ tại Phú Hòa Đông (Củ Chi); P.Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Long Trường, Long Bình, Trường Thạnh (quận 9) sử dụng máy vắt sữa giảm được chi phí 36.525.000đ/năm hay 3.044.000 đ/tháng và giảm được công lao động, tăng được chất lượng sữa do không nhiễm vi sinh, hạn chế được ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt sức khỏe và an toàn bệnh cho bò. Riêng mô hình thử nghiệm hệ thống phun sương chuồng nuôi bò sữa tại hộ Nguyễn Văn Hải (ấp 1 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) thực hiện. Với chuồng 100m2, nuôi 37 bò sữa; đầu tư chi phí 19.800.000đ/hệ thống. Sau 06 tháng thực hiện năng suất sữa tăng trung bình 0,5kg/con/ngày, nhiệt độ chuồng nuôi giảm 1,7 – 2,40C so với nhiệt độ ngoài trời. Là mô hình đạt hiệu quả cao, giảm được stress cho bò sữa, giúp tăng sản lượng sữa và tăng thu nhập cho nông hộ. Đấy là những mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa hiệu quả cần mở rộng để phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững trong thời gian tới.. Anh Võ Văn Nuôi ( xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi ), người hiện nuôi gần 100 con bò sữa cho biết: nếu không ứng dụng được công nghệ mới từ bình tuyển giống bò, trồng cỏ tạo thức ăn xanh, sử dụng máy vắt sữa, làm biogas…vào chăn nuôi thì hiệu quả nuôi của gia đình rất thấp. Nhưng nhờ ứng dụng tốt công nghệ mới, đặc biệt thực hiện cơ giới hóa trong chăn nuôi từ nhiều khâu ( vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải, cắt thái thức ăn, thu hoạch sữa…) nên công việc sản xuất của gia đình mới có như hôm nay./