Sữa Thế giới

Dư thừa sữa: Nỗi đau đầu của Châu Đại Dương

Tổ chức Dairy NZ cho biết cứ 5 nông dân nuôi bò sữa ở New Zealand thì có tới 4 người đang thua lỗ trong mùa vụ thứ 3 liên tiếp.

 Đang vào mùa bò sinh sản tại Waikato, khu vực cung cấp sữa lớn nhất New Zealand. Và bà Nicola Kloeten, một nông dân tại đây, đang tạo ra một thế hệ đàn bò mới mà bà kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu gia tăng của châu Á đối với sữa, bơ và phó mát.

 

Kể từ khi ký Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2008, New Zealand đã tận hưởng cơn sốt xuất khẩu sữa. Theo đó, xuất khẩu sữa bột của New Zealand sang Trung Quốc đã tăng mạnh và đạt đỉnh 744.000 tấn vào năm 2013-2014. Tuy nhiên, việc giá sữa giảm đến phân nửa kể từ đầu năm 2014 đã khiến cơn sốt này hạ nhiệt nhanh chóng. Lần đầu tiên trong nhiều năm trời, gia đình bà Kloeten phải thu hẹp thay vì bành trướng đàn bò gồm 560 con bò lai Jersey và Friesian của mình.

 

“Chúng tôi đã phải cắt giảm 60 con bò vì giá sữa đã ở mức thấp trong thời gian quá dài. Nhiều nông dân khác cũng gặp khó khăn”, bà Kloeten nói. Tính chung, lượng bò sữa trên cả nước đã giảm 300.000 con còn chỉ 6,4 triệu vào năm ngoái, mức giảm lần đầu tiên trong một thập niên.

 

Không chỉ New Zealand, nỗi đau này đang lan tỏa khắp ngành sữa thế giới, trải rộng từ Thái Bình Dương sang châu Âu và Bắc Mỹ, làm rung lắc thị trường xuất khẩu sữa thế giới lên tới 140 tỉ USD mỗi năm. Nhưng nỗi đau ở New Zealand là thấy rõ nhất vì xứ sở kiwi hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm sữa, chiếm tới 1/4 xuất khẩu cả nước.

 

Tổ chức trong ngành Dairy NZ cho biết cứ 5 nông dân thì có tới 4 đang thua lỗ trong mùa vụ thứ 3 liên tiếp. KPMG dự báo cứ 1 trong số 10 nông dân ở nước này sẽ phải rời cuộc chơi và thêm 28% sẽ phải tái cơ cấu hoạt động và huy động vốn mới để có thể tồn tại. Các vụ tự tử của nông dân ngành này cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây.

 

Cuộc khủng hoảng ngành sữa là hệ quả của tình trạng sản xuất thừa trên toàn cầu và nhu cầu yếu hơn dự kiến, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc, vốn là người mua lớn nhất thế giới các sản phẩm sữa; lượng nhập khẩu sữa của Trung Quốc đã giảm tới 20% trong giai đoạn 2014-2015, theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp Quốc (FAO). Cuộc khủng hoảng này càng tồi tệ hơn bởi các sự kiện như vào năm 2014 Nga cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa châu Âu có “dính dáng” đến căng thẳng diễn ra ở Ukraine và nhu cầu yếu ở Trung Đông, nơi giá dầu giảm sâu đã tác động mạnh đến thu nhập ở đây.

 

Du thua sua: Noi dau dau cua Chau Dai Duong

Cuộc khủng hoảng ngành sữa là hệ quả của tình trạng sản xuất thừa và nhu cầu ảm đạm. Ảnh: dreamstime.com

 

Giá sữa bột nguyên kem - mặt hàng xuất khẩu sữa lớn nhất của New Zealand - đã giảm hơn phân nửa kể từ năm 2014 còn chỉ hơn 2.000 USD/tấn, theo Global Dairy Trade Auction. Nhiều chuyên gia phân tích hàng hóa dự báo giá sữa sẽ quay trở lại mức ổn định sớm nhất là vào năm 2017, vì họ kỳ vọng việc cắt giảm sản xuất sẽ tác động lên giá sữa. “Đây là giai đoạn cam go nhất mà ngành phải đối mặt. Mức nợ tăng mạnh, cơ cấu chi phí cao hơn và giá sữa ở mức thấp suốt 3 năm liền”, Emma Higgins, chuyên gia phân tích tại Rabobank, nhận xét.

 

Tại châu Âu, giá sữa trả cho nông dân đã giảm mạnh xuống mức của năm 2009. Câu chuyện cũng tương tự ở Canada. Nông dân nước này “khóc ròng” vì giá sữa giảm mạnh. Họ đang phản đối mạnh mẽ hiệp định thương mại NAFTA, vốn cho phép xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Mỹ.

 

Các chủ trang trại trên toàn cầu đã đưa ra khuyến cáo cuộc khủng hoảng sẽ buộc nhiều người phải rời bỏ cuộc chơi. Mới đây, Ủy ban Phát triển nông nghiệp của Anh Quốc cho biết cứ 1 trong số 10 trang trại sữa ở England và Wales  - khoảng 1.000 trang trại - đã đóng cửa kể từ tháng 1.2013.

 

Tại Úc, giá sữa giảm sâu khiến cho Murray Goulburn, tập đoàn chế biến sữa lớn nhất nước, không kịp trở tay. Hồi tháng 4, Murray Goulburn phải hạ giá sữa mà Tập đoàn đã đề nghị trả cho nông dân trước đó, từ mức 5,6 đô la Úc xuống còn khoảng 4,75-5 đô la Úc. Giá sữa của Tập đoàn cho mùa vụ mới bắt đầu từ tháng 7 chỉ 4,31 đô la Úc, dưới cả chi phí sản xuất ước tính là 5-5,2 đô la Úc.

 

Trước diễn biến này, EU đã dành ra 1 tỉ euro hỗ trợ cho các nông dân và bắt đầu trữ sữa bột và các sản phẩm sữa khác nhằm đẩy giá lên. Quyết định này được đưa ra sau khi sản xuất tăng thêm khoảng 5% trong 5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái.

 

EU cũng dự định sẽ tăng cường thêm các biện pháp hỗ trợ. EU đã buộc phải tạm hoãn việc triển khai chính sách tự do hóa ngành sữa bằng cách từ bỏ hạn ngạch sản xuất để nông dân có thể cạnh tranh giành thị phần. “Chúng tôi xem các biện pháp trợ cấp của EU là thiển cận và mang tính bảo hộ. Chúng khiến các nhà sản xuất bị bế tắc do làm ăn không có lãi và sản xuất thừa và tạo ra những méo mó lớn trên các thị trường thế giới”, Nathan Guy, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp New Zealand, nhận xét.

 

New Zealand, vốn đã từ bỏ hầu hết các chính sách trợ cấp nông nghiệp vào giữa thập niên 1980, vẫn không ủng hộ việc sử dụng các biện pháp hỗ trợ nhà nước dù nông dân nước này đang rơi vào cảnh khốn cùng. New Zealand đặc biệt bị tác động mạnh, bởi quy mô ngành sữa quá lớn, trong khi lại phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như việc nước này tập trung vào sữa bột nguyên kem hơn là các sản phẩm như phó mát, bơ và yoghurt. New Zealand cung cấp khoảng 2/3 xuất khẩu sữa bột nguyên kem của thế giới, trong đó khách hàng lớn nhất là Trung Quốc.

 

 

Du thua sua: Noi dau dau cua Chau Dai Duong

“New Zealand xuất khẩu 95% lượng sữa sản xuất ra và chủ yếu là sữa bột nguyên kem, vốn chứng kiến mức giá giảm mạnh nhất trong số các sản phẩm sữa trong đợt suy thoái này”, Keith Woodford, Giáo sư danh dự về chế biến thực phẩm tại Đại học Lincoln ở New Zealand, nhận xét.

 

Mối đe dọa lớn nhất đối với nông dân là món nợ 38 tỉ đô la New Zealand được “tích lũy” trong suốt những năm ngành sữa lên cơn sốt khi nông dân đổ xô vay mượn để mua đất, tậu thêm đàn bò… nhằm gia tăng sản xuất. Theo Ngân hàng Trung ương New Zealand, món nợ 38 tỉ đô la New Zealand chiếm tới 1/10 tổng dư nợ hệ thống ngân hàng của nước này.

 

“Làm sao để trả nợ vay là một vấn đề rất lớn đối với nông dân. Ngân hàng thì không muốn tịch biên tài sản vì như vậy, giá đất và trang trại sẽ giảm và họ sẽ mất tiền”, Woodford nói.

 

Nhưng đang có dấu hiệu căng thẳng tài chính ở các ngân hàng, khi giá của các trang trại sữa đã giảm 18% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6.2016, theo Viện Bất động sản New Zealand. Ngân hàng trung ương nước này cũng đã khuyến cáo trong báo cáo ổn định tài chính vào tháng 5 rằng nợ của nông dân đang được giãn ra và tỉ lệ cho vay/thu nhập đang tiệm cận các mức đỉnh từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các cuộc kiểm tra sức khỏe ngân hàng hồi tháng 3 cũng cho thấy một số ngân hàng đối mặt với việc lỗ 3-8% danh mục cho vay ngành sữa.

 

Trong bối cảnh đó, “đợt phục hồi chậm hơn dự kiến tại Trung Quốc và đồng đô la New Zealand mạnh đang khiến cho mọi thứ càng tồi tệ hơn so với các đợt suy thoái mang tính chu kỳ trước đó”, Theo Spierings, CEO của tập đoàn sữa Fonterra, nhận xét.

 

Nhưng Spierings tự tin thị trường sẽ phục hồi trở lại do nhu cầu sữa của châu Á đang tăng trưởng 2-3% mỗi năm. Ông cho biết mọi người đã lo ngại thái quá khi nói rằng Trung Quốc có thể tăng sản xuất sữa trong nước và cắt giảm lượng sữa nhập khẩu từ New Zealand. Là nhà sản xuất sữa lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng mạnh sản xuất trung bình 8% mỗi năm trong 5 năm qua, theo Ibisworld. Nhưng nước này lại phải nhập 1/5 nhu cầu sữa cả nước và chi phí thức ăn gia súc cao cùng các thách thức môi trường khiến Trung Quốc khó có thể “tự cung tự cấp”, theo giới phân tích. “Làm nông không dễ chút nào ở Trung Quốc. Tôi không thay đổi quan điểm về triển vọng dài hạn tích cực của thị trường sữa hay Trung Quốc”, Spierings nói.

 

Bà Kloeten và các nông dân chăn nuôi bò ở New Zealand hy vọng rằng ông đúng. Nếu không, không biết họ có thể tồn tại trong ngành này được bao lâu, khi chủ nợ đang dần mất kiên nhẫn.

 

Đàm Hoa

Nguồn FT

Nguồn: nhipcaudautu.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác