Sữa Thế giới
Trung Quốc rúng động vì bê bối 17.000 hộp sữa trẻ em bị làm giả
Theo những tin tức mới nhất trên báo PetroTimes, dư luận Trung Quốc đang xôn xao trước bê bối sữa giả sau khi chính quyền thành phố Thượng Hải bắt giữ 6 người bị tình nghi làm giả và bán hơn 17.000 hộp sữa công thức giả cho trẻ em ở một số tỉnh, thành nước này. Đáng nói, thông tin này được phát đi trong bối cảnh dư luận Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng và căm phẫn sau vụ bê bối buôn lậu vắcxin trị giá 570 triệu Nhân dân tệ tại 24 tỉnh thành nước này.
Trên trang web Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc cho biết, các nghi can bị cáo buộc đã mua sữa bột trẻ em và sữa bột người lớn giá rẻ và đóng gói trong hộp giả của các thương hiệu sữa nổi tiếng. Những sản phẩm sữa giả này sau đó đã được bán cho các nhà bán lẻ ở các thành phố gồm Trịnh Châu, Từ Châu, Trường Sa và Duyện Châu… sau đó còn lưu hành đến nhiều nơi hơn.
Nhóm người làm sữa giả này đã thu lợi được 2 triệu Nhân dân tệ từ hành vi bất chính này. Tuy nhiên, phía công tố Trung Quốc không nói có bao nhiêu loại sữa và nhãn hiệu sữa bị làm giả, cũng như số sữa giả này đã được bán đến những nơi nào.
Cảnh sát Thượng Hải đã xin lệnh bắt giữ 7 người liên quan đến vụ làm sữa giả này vào đầu tháng 1 năm nay sau khi tiến hành điều tra vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ mới cách đây hơn 1 tuần, phía công tố mới chấp thuận cho cảnh sát bắt giữ 6 người và yêu cầu tiến hành điều tra bổ sung với người còn lại trong nhóm làm sữa giả nói trên.
Được biết, Trung Quốc trong gần 15 năm trở lại đây thường xuyên xảy ra các vụ làm sữa giả, sữa kém chất lượng, đặc biệt là sữa bột công thức dành cho trẻ em ở quy mô lớn, không chỉ tổn hại đến lòng tin của người tiêu dùng, gây tác hại khôn lường đến sự phát triển của trẻ nhỏ mà còn làm hoang mang dư luận trong và ngoài nước này.
Điển hình là sự kiện hồi năm 2004, 179 em bé ở tỉnh An Huy, Trung Quốc được chẩn đoán mắc phải “hội chứng đầu to” và 13 em bé đã thiệt mạng vì suy sinh dưỡng lâu ngày do uống loại sữa được các cơ sở sản xuất sữa giả, sữa kém chất lượng ở nước này sản xuất. Hoặc vụ phát hiện hơn 700 tấn sữa bột nhiễm melamine, một chất hoá học độc hại sử dụng trong các sản phẩm nhựa, phân bón và hoá chất làm sạch trong các sản phẩm sữa công thức của Công ty Sanlu (Trung Quốc) hồi năm 2008.
Những năm gần đây, sữa bột giả Trung Quốc đã trở thành một vấn nạn đáng lo ngại. Ảnh fosl.net
Gần đây, trang tin China.com dẫn một nguồn tin điều tra cho biết, việc thu gom vỏ hộp sữa, đặc biệt là các vỏ hộp sữa từ các thương hiệu sữa có tiếng ở Australia đang trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Hành vi này bị nghi ngờ là để phục vụ cho mục đích làm sữa giả. Người ta sẽ cho vào trong các hộp sữa rỗng đó những loại sữa khác không rõ nguồn gốc và sẽ lại mang đi tiêu thụ với giá của loại sữa chính hãng.
Trước tình trạng sữa giả tràn lan ở Trung Quốc, người tiêu dùng không khỏi lo lắng vì rất có thể, số sữa giả được đóng trong lon của các thương hiệu nổi tiếng có thể bị tuồn vào Việt Nam. Trên thực tế, từ lâu đã có những ý kiến cảnh báo rằng các đầu nậu có nhiều thủ đoạn tinh vi để sản xuất và buôn bán sữa giả.
Các hình thức phổ biến nhất là nhái nhà sản xuất, gia hạn sử dụng, thậm chí thu mua bao bì còn hạn sử dụng để thay thế sữa giả bên trong, tương tự như vụ việc ở Trung Quốc nói trên. Do đó, người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức về phân biệt sữa thật, sữa giả để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, tránh để rơi vào cảnh ‘tiền mất, tật mang’.
Đối với sữa nhái nhà sản xuất, người dùng có thể quan sát bao bì có hình ảnh mờ nhạt và không rõ nét, câu từ thiếu chính xác, sai lỗi chính tả do quá trình sao chép, hạn sử dụng bị tẩy xóa hoặc in chồng, vỏ hộp móp méo... Tuy nhiên, người dùng khó phân biệt sữa giả đựng trong hộp thật.
Vụ bắt giữ sữa giả mới đây ở Trung Quốc cho thấy, các cơ sở làm sữa giả thường thu mua vỏ hộp chính hãng còn nguyên vẹn, không móp méo, hạn sử dụng dài... từ các cửa hàng phế liệu. Sau khi làm sạch, hộp được đóng gói sữa kém chất lượng và dập nắp giấy bạc, đóng nắp lon như sản phẩm thật. Sữa giả được gắn thương hiệu nổi tiếng để tăng lợi nhuận và dễ qua mắt người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên trang bị một số kiến thức về cách phân biệt sữa thật sữa giả. Ảnh minh họa
Công thức sản xuất sữa giả thường gồm đường, bột ngọt, bột sữa, chất tạo béo và hương liệu Trung Quốc. Trẻ nhỏ và người già, người đau ốm uống sữa giả có thể tiêu chảy, nôn trớ, chậm tăng cân, mắc các bệnh hô hấp, suy thận... Trao đổi với báo, bà Vũ Thanh Tâm - Giám đốc hệ thống cửa hàng Growmart, thuộc Tập đoàn Dược phẩm Việt Nam, người dùng có thể phát hiện sữa giả đựng trong hộp thật nếu huy động mọi giác quan.
Bà Tâm tư vấn, trước hết cần dùng thị giác để kiểm tra sản phẩm còn nguyên vẹn hay bị tẩy xóa hạn sử dụng, nắp hộp cong vênh… Khi mở nắp lon, nếu quan sát thấy sữa biến màu, vón cục, không hòa tan với nước, lại có váng nổi thì có thể khẳng định là sữa giả. Sữa chất lượng phải có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, sờ thấy bột mịn, tơi xốp, không vón cục…
Sau khi kiểm tra bằng thị giác và xúc giác, tiếp tục dùng khứu giác để phát hiện mùi. Nếu sữa có mùi lạ và hôi, dùng vị giác lại phát hiện thấy vị lạ thì tuyệt đối không cho trẻ uống. "Tốt nhất, nên mua các loại sữa khó bị làm giả, được đóng gói nguyên lon tại nước ngoài bằng kỹ thuật hiện đại từ vỏ đến nắp. Chọn mua sữa có hạn sử dụng được dập nổi thay vì in bằng mực", bà Tâm chia sẻ về kinh nghiệm phân biệt sữa thật sữa giả.