Sữa Thế giới
Từ nông dân vắt sữa bò thành chủ nhân đế chế tỷ "đô"
Theo Forbes, trước khi trở thành một trong những chủ đất giàu nhất tại Mỹ, sở hữu công ty sản xuất có doanh thu mỗi năm gần 2 tỷ USD, Frank VanderSloot trải qua tuổi thơ vất vả với nghề nông cùng gia đình trên một trang trại hơn 30 hecta tại thị trấn Colocalla, bang Idaho, Mỹ, cách biên giới với Canada hơn 100km.
"Nếm mật nằm gai" quyết đổi đời
Cha VanderSloot là công nhân đường sắt, người đã bỏ học từ năm lớp 3, đi làm xa cả tuần, để lại cả gia đình lao động duy trì trang trại. Ở tuổi 12, VanderSloot phụ trách công việc hàng ngày trên trang trại như vắt sữa bò; cho ngựa, cừu, dê và gà ăn; bổ củi để nhóm lò sưởi và nấu ăn.
Đó cũng là khi cha ông nhận thấy rằng con trai mình phải được học đại học để không có cuộc đời khổ sở như ông. Nhưng vì gia đình không có tiền nên VanderSloot phải tự tiết kiệm tiền để đi học.
VanderSloot bắt đầu làm công việc tách kem từ sữa bò 2 lần một ngày và được phép bán số sữa thừa mà gia đình không dùng tới để kiếm 2,5 USD mỗi tuần. Ông cũng bắt đầu làm việc cho những trang trại lân cận với các việc như xây hàng rào, đắp cỏ, vận hành máy kéo… Ngay từ đầu, ông đã xác định mục tiêu là khoản tiết kiệm để dành đi học đại học.
Tới khi tốt nghiệp trung học, ông đã tiết kiệm đủ tiền để trang trải 5 kỳ học phí tại trường đại học Brigham Young tại thành phố Provo, bang Utah.
"Tuy nhiên, tôi đã không tính tới chi phí cho sách vở hay ăn ở cho tới khi đến học", VanderSloot nhớ lại.
Vì vậy, ông đã tới Provo vài ngày trước khi bắt đầu năm học để kiếm việc làm. Ông bắt đầu công việc rửa máy giặt 3 lần mỗi ngày tại một cửa tiệm giặt là và nhận 50 USD/tháng, hơn nữa còn được ở miễn phí trong căn phòng nhỏ tối tăm và nóng nực đằng sau máy sấy.
"Với điều kiện tài chính của tôi lúc ấy thì cửa tiệm giặt là đó là chỗ ở tuyệt vời", ông nhớ lại.
Năm 19 tuổi, ông quyết định rời trường để thực hiện chuyến đi truyền giáo kéo dài 2,5 năm tại Hà Lan.
"Cha tôi đã rất thất vọng với quyết định này bởi cho rằng tôi sẽ không bao giờ quay lại được trường đại học", VanderSloot kể.
Vì vậy, VanderSloot hứa sẽ giữ lại số tiền đủ cho một kỳ học phí để có thể quay lại trường và lên đường. Tại Hà Lan, ông bắt đầu học tiếng và tìm được một cố vấn cho mình. Câu chuyện lập nghiệp từ hai bàn tay trắng của vị cố vấn này đã tạo cảm hứng mạnh mẽ đối với VanderSloot, thôi thúc ông theo đuổi nghiệp kinh doanh.
Giá trị của lao động không ngừng nghỉ
Trở về Mỹ sau chuyến đi, VanderSloot theo ghi danh vào trường Ricks College (giờ là trường đại học Brigham Young - Idaho). Tại đây, ông được miễn phí ăn ở và tiền học, đổi lại ông dạy tiếng Hà Lan cho các nhà truyền giáo tương lai.
Sau khi tốt nghiệp bằng liên kết trường Ricks ngành kinh doanh, VanderSloot quay lại trường Brigham Young để lấy bằng cử nhân. Ông làm nhiều việc để có tiền trang trải cuộc sống. Vào năm học thứ 2, VanderSloot bắt đầu phân phối thịt bò khô và đậu phộng cho các quán bar.
Năm 1972, ông nhận tấm bằng cử nhân ngành marketing, trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học. Không cần phải vay nợ để đi học, ông gọi đây là một trong những "thành quả đáng tự hào nhất của mình".
Sau vài năm làm việc cho các công ty, năm 1985, VanderSloot thành lập công ty Melaleuca, hiện sản xuất hơn 450 sản phẩm từ vitamin cho tới nước tẩy rửa thân thiện với môi trường.
Melaleuca bán trực tiếp sản phẩm hơn hơn 1,8 triệu khách hàng mỗi tháng qua các kênh trực tuyến. Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 1,75 tỷ USD, đưa VanderSloot vào danh sách 400 tỷ phú giàu nhất tại Mỹ của Forbes (Forbes 400) với tài sản 2,7 tỷ USD.
Nhờ có VanderSloot, trang trại hơn 30 hecta của gia đình ông đã mở rộng thành cơ ngơi hàng chục nghìn hecta. Giờ đây, không còn phải vắt sữa bò hay tách kem từ sữa nữa, VanderSloot điều hành "Học viện của Ông" với chương trình chăn nuôi kéo dài 6 tuần dành cho 48 người cháu của mình. Chương trình được thiết kế để dạy cho họ những điều mà ông đã học được sau gần 6 thập kỷ: Giá trị của việc lao động chăm chỉ.