Sữa Việt Nam

Giá sữa liệu có bình ổn sau khi bị “siết”?

Từ 20.11, các loại sản phẩm sữa dù thay tên đổi họ thành sản phẩm dinh dưỡng sẽ vẫn trong vòng quản lý của bộ Tài chính. Bộ Y tế đã chính thức ban hành danh mục sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi thuộc hàng hoá thực hiện bình ổn giá. Nhưng liệu còn kẽ hở nào?

Ông Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), cho biết bộ Y tế đã ban hành thông tư số 30/2013/TT-BYT về danh mục sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi thuộc hàng hoá thực hiện bình ổn giá. Theo đó, danh mục sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi thuộc hàng hoáa thực hiện bình ổn gồm sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do bộ Y tế ban hành; sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các mặt hàng sữa trước đây tuy đã thay tên đổi họ thành sản phẩm dinh dưỡng, do tuân theo quy chuẩn của bộ Y tế thì tới đây sẽ vẫn tiếp tục được coi là sữa. Các sản phẩm này sẽ quay trở về nằm trong danh mục hàng hóa phải bình ổn giá do bộ Tài chính quản lý.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ Y tế, Tài chính, Công thương phải quản lý mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi theo quy định của luật Giá.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều sản phẩm sữa đã bị “thay tên đổi họ” nhằm phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, làm căn cứ cho việc thực hiện quản lý nhà nước thì bộ Tài chính nhận định đây là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng ồ ạt tăng giá sữa. Việc đưa các “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung” vào danh mục do bộ Tài chính quản lý giá liệu có bình ổn được giá mặt hàng này khi mà trong vòng năm năm qua giá sữa đã tăng gấp 30 lần, mỗi lần tăng từ 3 – 20%. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa ngoại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cục phó cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), nói: “Thông tư 104 năm 2008 của bộ Tài chính có quy định sữa trong vòng 15 ngày liên tục không được tăng 20% so với giá hiện tại. Nếu như tôi là doanh nghiệp thì tôi để 16 ngày tôi mới tăng. Rõ ràng tôi không vi phạm quy định về quản lý giá. Như vậy, chúng ta cần xem lại các quy định khác nữa chứ không thể khẳng định thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá”.

Việc đổi tên sữa thời gian qua chỉ là mánh lới để các hãng sữa tiếp tục tăng giá chứ không phải là nguyên nhân chính. Nhiều bộ lấy đây là “cớ” để giá sữa tăng trong khi không có cách quản lý giá sản phẩm này hiệu quả.

Nguồn: sgtt.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác