Sữa Việt Nam
Sữa và “cái giá” cho thế hệ người Việt
WHO, UNICEF tại VN cho rằng, để đảm bảo an toàn cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ em VN, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần xếp sữa công thức đúng vào hạng mục sữa.
Trả lại tên cho sữa
Theo đại diện hai tổ chức này, việc đổi tên không đúng các sản phẩm sữa thay sữa mẹ thành “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng”, khiến những sản phẩm này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Tài chính về giá. Đồng thời, việc ghi nhãn không đúng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo, trong đó quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1/2013. Thậm chí việc sử dụng thuật ngữ “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” để gọi sữa công thức sẽ gây hiểu lầm cho khách hàng và bỏ qua những khuyến cáo rõ ràng về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được đưa ra dựa trên các bằng chứng toàn cầu...WHO và UNICEF cho rằng, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần xếp công thức sữa vào đúng hạng mục sữa. Điều này không chỉ đảm bảo giá các sản phẩm được quản lý chặt chẽ mà còn tuân thủ các quy định về quảng cáo trong luật quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay sữa mẹ…
Trước vấn đề này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ban hành danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa để Bộ Tài chính căn cứ vào đó sẽ quản lý giá theo quy định của Luật giá. Danh mục này sẽ được công bố trước ngày 5/10/2013. Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng dự thảo thông tư ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (theo quy định tại Luật Giá). Các sản phẩm này bao gồm: Sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ 0-36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không có bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi…hướng tới việc làm cơ sở để Bộ Tài chính thực hiện quản lý giá theo quy định.
Quản lý thế nào?
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ người tiêu dùng có thể thấy, sự lộn xộn của thị trường sữa không hẳn chỉ do việc tên gọi như đã nói mà gốc rễ sâu xa của nó chính là do khâu quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tăng giá sữa tràn lan và trở thành “căn bệnh” nan y từ nhiều năm nay chưa có “thuốc” đặc trị. Nhìn lại khoảng 5 năm trở lại đây, giá sữa ở VN đã có tới… 30 lần tăng. Chỉ riêng năm 2013, sữa nhập khẩu đã có 5 lần tăng giá, trong đó 3 lần tăng giá gần đây nhất không kê khai, với lý do: các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em trước kia giờ đã được đổi tên thành “thức ăn công thức”, “thực phẩm bổ sung”, “thực phẩm dinh dưỡng”… cho phù hợp với bộ quy chuẩn mà Bộ Y tế ban hành từ năm 2010.
Ngoài ra, các hãng sữa cũng biện minh cho việc này là do giá nguyên liệu tăng, chi phí nhân công tăng, chi phí quản lý, thuê mặt bằng… Chỉ đến khi các cơ quan chức năng thông báo giá nhập khẩu sữa người tiêu dùng mới “vỡ” ra rằng giá bán lẻ sữa ở thị trường trong nước cao gấp nhiều lần giá vốn. Thực tế, giá sữa ở VN chỉ có tăng chứ không giảm, ngay cả việc giá nguyên liệu thế giới có giảm thì các DN sữa cũng … “làm thinh”
Phần khác cũng do tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng khiến thị trường sữa được thể tăng giá, trong khi đó công tâm mà nói ngay tại thị trường trong nước cũng có nhiều hãng sữa nội rất có uy tín không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài, chất lượng không thua kém gì sữa ngoại mà giá cả lại phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng. Có thể kể tới như: Vinamilk, TH Truemilk, Mộc Châu… đều là những thương hiệu nội đang dành được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ một vài hãng sữa nội sẽ khó để làm xoay chuyển được cả thị trường với hàng trăm loại sữa ngoại vốn có thương hiệu từ trước. Hơn nữa, ngay bản thân các cơ quan quản lý vẫn còn “vênh” nhau về cách quản lý, tên gọi của sữa thì khó mà đòi hỏi một thị trường sữa thực sự minh bạch.
Thị trường sữa khó quản lý cũng còn có một nguyên nhân nữa từ việc phụ thuộc quá nhiều vào sữa nhập khẩu, kể cả nguyên liệu sản xuất sữa bột cũng phải nhập khẩu tới 2/3. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Vì vậy, bên cạnh việc quản lý mặt hàng này hợp lý, “đúng người đúng việc” về lâu về dài, theo các chuyên gia, để ngành sữa nội phát triển, các DN cần có sự đầu tư lớn, công nghệ cao, xây dựng thương hiệu tốt. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để ngành này phát triển, chẳng hạn miễn thuế cho nông dân nuôi bò sữa, ưu đãi cho DN và người nông dân tín dụng, lãi suất…Tất nhiên, để đưa lên bàn cân đo đếm xem chất lượng sữa ngoại hay sữa nội tốt hơn thì còn là cả một câu chuyện dài. Nhưng có một điều chắc chắn người tiêu dùng Việt luôn ủng hộ và sẵn sàng sử dụng sữa nội nếu nó đảm bảo chất lượng.
Box: Danh mục những mặt hàng sữa và sản phẩm sữa sẽ được công bố trước ngày 5/10/2013.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:
Luật giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Các Thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống, tức là còn khoảng trống cho các sản phẩm từ 36 tháng tuổi (3 tuổi) đến 6 tuổi. Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị 'làm giá'. Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc.
Chúng ta phải kêu gọi tất cả, kêu gọi các DN sống trong một thời đại xây dựng xã hội dân giàu- nước mạnh- dân chủ- công bằng- văn minh hãy làm giàu một cách văn minh và chúng ta làm việc gì cũng phải có tấm lòng trong đó. Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Lợi dụng đổi tên sữa Việc tăng giá sữa ngoại từ 15-17% của một số hãng sữa trong thời gian qua chủ yếu do lợi dụng việc đổi tên gọi của sản phẩm này. Theo đó, sữa và những sản phẩm từ sữa từ chỗ nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật Giá đã được đổi thành tên gọi khác như sản phẩm công thức, sản phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng… theo quy định của Bộ Tài chính. Chính vì những tên gọi này đã biến sữa và sản phẩm từ sữa không thuộc diện điều chỉnh của Luật Giá, do vậy không phải kê khai giá, không chịu sự quản lý của Nhà nước về giá. |