TT thức ăn cho bò sữa tại Việt Nam
Chất cấm trong chăn nuôi: Sẽ xử lý đến cùng
- Thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số đại lý bán thuốc và một số cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng những chất cấm trong chăn nuôi. Thực trạng này đã khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn trong nước. Những ngày qua, thịt lợn bắt đầu giảm 10-15% so với trước và sau tết.
Kết quả giám sát vừa công bố 43% số mẫu nước tiểu, 26% số mẫu thịt được kiểm tra phát hiện chất cấm gốc Beta Agonits chỉ thực hiện tại một số tỉnh miền Nam, nên chưa thể kết luận 30-40% thịt lợn trong nước bị nhiễm các chất tăng nạc. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục đi kiểm tra lấy mẫu để đánh giá một cách chính xác hơn, nhằm giúp cho người tiêu dùng biết tỷ lệ nhiễm chất cấm và thực hiện các biện pháp xử lý.
- Vậy khi nào Bộ sẽ có kết quả cuối cùng cho người tiêu dùng?
- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Hiện, các cơ quan chuyên môn của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đang lấy mẫu. Chúng tôi hy vọng cuối tháng này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn lợn hiện nay. Chúng tôi sẽ xử lý đến cùng các cơ sở chăn nuôi, buôn bán chất cấm này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng, không phải tất cả thịt lợn, kể cả thịt nạc tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều nhiễm chất cấm.
- Chất cấm được trộn vào thức ăn chăn nuôi hay người dân lén lút sử dụng?
- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn mà chúng tôi kiểm tra đều không phát hiện. Cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ các chất cấm có trong lợn là do các thương lái yêu cầu người nuôi sử dụng để tăng lượng nạc.
- Việc Trung Quốc vừa thông báo tạm dừng nhập khẩu thịt của nước ta do lo ngại về dịch bệnh, đã gây ra hậu quả thế nào?
- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ra văn bản tạm dừng nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam. Đây là một tin không vui với người chăn nuôi Việt Nam. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta không xuất khẩu chính ngạch thịt qua Trung Quốc, chỉ xuất khẩu qua tiểu ngạch 2.000-5.000 tấn (chủ yếu là lợn), chỉ chiếm khoảng 0,5% sản lượng thịt lợn trong nước. Dù không nhiều, nhưng cũng gây tâm lý cho các thương lái ép giá người chăn nuôi, ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.
- Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gia súc, gia cầm Việt Nam do lo ngại chất cấm?
- Ông Nguyễn Thanh Sơn: Trong văn bản của Trung Quốc nêu nguyên nhân tạm dừng là do chúng ta đang có dịch bệnh, không đề cập đến nguyên nhân sử dụng chất cấm. Trung Quốc thi thoảng cũng phát hiện ra các vụ người dân lén lút sử dụng hoặc sản xuất ra các chất cấm và xử lý rất triệt để.
Tuy nhiên, về phía chủ quan, chúng ta cũng cần phải tăng cường việc kiểm soát chất cấm để đảm bảo uy tín và an toàn vệ sinh cho sản phẩm thịt sản xuất trong nước. Ngoài Trung Quốc, nó có thể gây ảnh hưởng tới các thị trường khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia... Quan điểm của các cơ quan chức năng là phải kiên quyết xử lý các chất cấm này.
Liên tiếp phát hiện hàng tấn chất kích nạc Đội quản lý thị trường (QLTT) cơ động tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện và thu giữ gần 2,5 tấn chất kích nạc cho lợn của Công ty TNHH Nhân Lộc, trú tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu. Số hàng bị thu giữ bao gồm 110 bao loại 20kg nhãn hiệu HT04, HT02 lợn và 156 bao đóng gói có nhãn hiệu: T01, Sumo, Pig-Moke, trọng lượng 1kg/gói. Lực lượng QLTT cũng phát hiện 175kg thuốc Chlortetracylin chứa trong 7 bao loại 25kg đã hết hạn sử dụng. Trước đó, ngày 10-3, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra và phát hiện tại Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Thiên Hương Phát (đóng tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) hơn 220kg chất kích thích tạo nạc cho lợn. Chi cục QLTT cho biết, các loại chất này có tác dụng tạo nạc cho lợn, tăng tiết hormone tăng trưởng, cải thiện tăng trọng, giảm mỡ lưng, giảm tiêu tốn thức ăn, nở đùi, nhiều nạc, nở mông, nở vai lợn. Những loại chất này nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Toàn bộ số hàng trên được Chi cục QLTT niêm phong, tạm giữ để điều tra làm rõ. |
Tuyết Nhung (Ghi)