TT thức ăn cho bò sữa tại Việt Nam
Trồng cây thức ăn cho bò sữa: Mô hình Mộc Châu
THẢO NGUYÊN XANH
Mộc Châu là một trong những vùng đất có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thời tiết khí hậu phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò sữa. Đàn bò sữa giống Holstein Friesian được nuôi tại đây có nguồn gốc từ đàn bò Hà Lan – Cu Ba, trải qua nhiều thế hệ, được bổ sung thêm các nguồn gen quý của đàn bò nhập từ Mỹ, Úc đã thích nghi, sinh trưởng, có khả năng SX sữa đạt khá cao so với khu vực, giúp hình thành nên giống bò HF Việt Nam.
Trước đây đàn bò được nuôi theo phương thức tập trung, từ những năm 1990 đã được giao khoán đến hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi hiện nay của Mộc Châu là chăn nuôi hộ gia đình, kết hợp với các trung tâm giống có quy mô 1.000 con/trung tâm, được đầu tư các trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.
Hiện tại Cty được nhà nước giao 959,8 ha đất nông nghiệp để trồng cỏ và cây thức ăn phục vụ đàn bò. Trong những năm qua, tổng đàn bò của Cty đã tăng lên 17.355 con, nuôi tại 3 trung tâm giống và 565 hộ chăn nuôi. Trong đó đàn bò vắt sữa 7.350 con, sản lượng sữa tươi SX 170 - 175 tấn/ngày, năng suất bình quân 23,5 kg/con/ngày.
Quy mô bình quân là 28 con/hộ, hộ nuôi nhiều nhất 160 con. Bình quân trên đơn vị diện tích là 18 con/ha. 100% các hộ có máy vắt sữa, máy cắt cỏ, máy thái băm, máy tắm cho bò và có trên 100 máy canh tác nông nghiệp chuyên dùng.
Ngoài các yếu tố về giống, điều kiện thiên nhiên thì thức ăn có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến khả năng sinh trưởng, phát triển và khả năng SX sữa của đàn bò. Những năm trước đây đàn bò thường thiếu thức ăn vào mùa đông, làm cho sức khoẻ và khả năng SX sữa bị giảm sút.
Mộc Châu về mùa đông thời tiết giá rét, các loại cây thức ăn sinh trưởng và phát triển chậm, thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò bị thiếu. Mùa hè thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển, các loại cỏ xanh dư thừa nhưng việc làm cỏ khô dự trữ gặp bất lợi do mưa nhiều.
Chính vì vậy giải pháp để đảm bảo đủ thức ăn cho đàn bò là thức ăn ủ chua. Những năm gần đây thức ăn ủ chua là nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao đã được sử dụng quanh năm cho đàn bò sữa của Cty.
Với tổng đàn bò hiện nay, nhu cầu về thức ăn thô xanh là rất lớn, cơ cấu đồng cỏ và cây thức ăn cũng phải hợp lý, đảm bảo để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò.
GIẢI PHÁP
Với tốc độ tăng đàn khoảng trên 14%/năm, trong khi diện tích đất dành cho chăn nuôi ngày càng thu hẹp, do xu hướng đô thị hoá, vì vậy để đáp ứng nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn bò cần phải có những biện pháp giải quyết cụ thể.
Cty khuyến khích các hộ tập trung thâm canh, tăng năng suất cỏ, cây trồng trên diện tích hiện có, bố trí cơ cấu các giống cỏ, cây thức ăn hợp lý theo từng mùa vụ. Chọn lọc các giống cỏ, cây thức ăn phù hợp với Mộc Châu và có năng suất, chất lượng cao.
Hiện đã chọn lọc một số giống cỏ, cây trồng thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt.
+ Cỏ Signal và cỏ Narok: Có nguồn gốc từ Úc, năng suất 180 - 200 tấn/ha/năm. Đây là giống cỏ có khả năng chịu hạn tốt, có thể trồng được ở những đồi dốc. Gieo trồng bằng hạt hoặc bằng hom. Có thể dùng làm thức ăn xanh hoặc làm cỏ khô.
+ Cỏ VA06: Năng suất 400 - 500 tấn/ha/năm trong điều kiện thâm canh tốt, dùng làm thức ăn xanh hoặc ủ chua. Được trồng bằng hom.
+ Cỏ Sorghum: Năng suất 90 - 120 tấn/ha/lần cắt. Được gieo bằng hạt, có khả năng tái sinh cao, 3 - 4 lần cắt. Dùng để làm thức ăn ủ chua.
+ Các giống ngô lai: Hiện được trồng để làm thức ăn ủ chua có năng suất 60 - 65 tấn/ha vụ mùa và 30 - 35 tấn/ha vụ thu.
Tuy nhiên các giống cỏ tại Mộc Châu dùng làm thức ăn cho bò sữa còn chưa nhiều, Cty đã thử nghiệm nhiều giống cỏ, kể cả cỏ Alfalfa nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điều đáng nói là với diện tích đất nông nghiệp được giao hiện không đáp ứng đủ nhu cầu về thức ăn thô xanh cho đàn bò. Vì vậy, Cty đã tích cực chủ động mở rộng vùng nguyên liệu thức ăn ra ngoài Cty.
Mộc Châu có lợi thế là cao nguyên rộng, có diện tích đất canh tác gieo trồng ngô lớn. Bên cạnh đó các địa phương có chủ trương về việc trồng ngô cây làm thức ăn cho đàn bò, vừa giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống xã hội vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số.
Hàng năm Cty xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng với Phòng NN-PTNT các huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các xã… tổ chức hợp đồng, thu mua ngô cây của các hộ gia đình thông qua các tổ chức, cá nhân, trưởng bản. Năm 2013 SX được 85.700 tấn cây ngô, thì Cty thu mua 57.300 tấn; năm 2014 SX được 100.320 tấn, Cty thu mua 70.300 tấn; năm 2015 SX được 130.000 tấn, Cty thu mua 90.000 - 100.000 tấn.
Để giải quyết thức ăn đủ cho đàn bò quanh năm, công tác chế biến, dự trữ phải đảm bảo đủ cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2012 Cty đã đầu tư nhà máy chế biến thức ăn TMR theo công nghệ Hàn Quốc. Đây là máy TMR đầu tiên ở Việt Nam, có công suất 150 tấn/ngày, có thể nâng cấp lên 200 tấn/ngày cung cấp cho đàn bò của các trung tâm giống và 20 - 30% đàn bò vắt sữa của các chủ hộ.
+ Thức ăn ủ chua: Là nguồn thức ăn chủ lực đối với đàn bò, hàng năm được làm 2 vụ xuân hè và thu đông, nhưng tập trung chủ yếu ở vụ xuân hè. Cty đã xây dựng quy trình và hướng dẫn các hộ ủ chua thức ăn để đảm bảo chất lượng. Tuỳ vào quy mô, cơ cấu đàn, các hộ ủ đủ cho đàn bò ăn quanh năm, với khối lượng 6.500 - 7.000 kg/con.
+ Dự trữ cỏ khô: Chủ yếu là cỏ Signal, thu hoạch vào mùa mưa nên gặp khó khăn. Cty đang tìm các giải pháp để giúp các hộ thu hoạch cỏ đảm bảo chất lượng, kịp thời vụ và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng, hàng năm Cty đã nhập trên 5.000 tấn cỏ Alfalfa cho đàn bò cao sản và đàn bê. Thức ăn cho đàn bò tại các hộ đều được băm thái nhỏ và phối trộn các nguyên liệu theo khẩu phần ăn từng nhóm bò để tận dụng hết các loại thức ăn, kiểm soát được chất lượng đầu vào.
Chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, UBND tỉnh Sơn La đã có quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển bò sữa 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 7.000 ha đất trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, để đến năm 2020 tổng đàn bò là 35.000 con.
Cty đã xây dựng dự án trình UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh, kết hợp với UBND các huyện Mộc Châu, Vân Hồ để quy hoạch và phát triển đàn bò và đồng cỏ.
Căn cứ vào dự án được phê duyệt, Cty đầu tư 5 trung tâm giống với quy mô 1.000 con/trung tâm, mỗi trung tâm có 5 ha để xây dựng chuồng trại và 65 ha đất để trồng cỏ và cây thức ăn